COVID-19 tại ASEAN hết 14/9: Malaysia vượt 2 triệu ca bệnh, quyết mở cửa lại nền kinh tế

Trong ngày 14/9, các nước ASEAN ghi nhận trên 64.000 ca nhiễm mới và 1.400 ca tử vong. Malaysia vượt mốc 2 triệu ca bệnh nhưng đã bắt đầu nới lỏng hạn chế để mở cửa lại nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Vũ công đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại đền Erawan, Bangkok, Thái Lan, ngày 11/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 64.441 ca mắc mới COVID-19 và 1.395 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 11.141.337 trường hợp và 245.493 ca tử vong. Toàn khối có 9.974.088 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 8 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Malaysia chiếm nhiều nhất với 413 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 276 ca; Indonesia ghi nhận 250 ca tử vong mới; Philippines thêm 222 ca; Thái Lan thêm 136 ca tử vong; Myanmar ghi nhận 87 ca; Campuchia ghi nhận thêm 9 ca và Timor Leste thêm 2 ca tử vong.

Với 18.056 ca nhiễm trong ngày 14/9, Philippines đứng đầu khu vực về ca mắc mới.  Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 2.266.066 ca, bao gồm 35.529 ca tử vong.

Malaysia đứng thứ hai với 15.669 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 2.011.440 trường hợp, bao gồm 21.124 ca tử vong. Thái Lan cùng ngày ghi nhận 11.786 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh hiện là 1.406.542 ca.

Indonesia chứng kiến số lượng ca nhiễm mới tiếp tục xu hướng giảm, với 4.128 ca trong ngày, mặc dù nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.174.216 trường hợp và 139.415 ca tử vong.

Việt Nam cùng ngày ghi nhận 10.508 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 635.055, bao gồm 15.936 ca tử vong. 

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Subang, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Vượt 2 triệu ca mắc, Malaysia bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế

Ngày 14/9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ không còn coi việc phong tỏa là một biện pháp thích hợp để kiềm chế sự gia tăng của dịch bệnh COVID-19, đồng thời cho rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến những hệ lụy khác. Do vậy, chính phủ đã quyết định mở cửa trở lại một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế. Theo đó, Giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP) gồm 4 giai đoạn, sẽ có 11 lĩnh vực kinh doanh ở các bang được mở cửa trở lại

Các lĩnh vực kinh doanh được đề cập là dịch vụ rửa xe ô tô; siêu thị điện máy; cửa hàng đồ gia dụng và đồ dùng nhà bếp; cửa hàng nội thất; cửa hàng dụng cụ thể thao; cửa hàng phụ kiện xe hơi; trung tâm phân phối và bán xe ô tô; chợ sáng và chợ nông sản; cửa hàng quần áo, thời trang và phụ kiện; cửa hàng trang sức cũng như tiệm cắt tóc và trung tâm làm đẹp.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội cùng ngày, Thủ tướng Ismail cho biết chính phủ lo ngại rằng việc phong tỏa kéo dài có thể tác động tiêu cực đến người dân, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe tâm thần. Ông nhấn mạnh việc mở cửa trở lại một số lĩnh vực kinh tế không chỉ giúp phục hồi nền kinh tế, mà còn cung cấp không gian và cơ hội để người dân cải thiện cuộc sống của họ.  Ông cho biết quyết định được đưa ra sau khi Bộ Y tế đã đánh giá rủi ro và cân nhắc về tỷ lệ tiêm chủng. Đến thời điểm hiện tại, 74,7% dân số trưởng thành của Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. 

Đề cập đến những lưu ý khi quy định giãn cách dần được dỡ bỏ đối với những người đã hoàn thành tiêm chủng, Thủ tướng Ismail cho rằng mặc dù một số lĩnh vực được phép mở cửa trở lại song phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, xuất trình chứng nhận tiêm chủng đủ 14 ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Selongor, Malaysia, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu

Chính phủ Indonesia đang xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu (endemic) để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt bình thường cho người dân.

Ngày 14/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Johnny Plate cho biết bước đầu tiên trong lộ trình là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định y tế và duy trì lối sống lành mạnh. Theo ông Plate, xuất phát từ nhận định rằng đại dịch sẽ không thể biến mất trong thời gian ngắn, chính phủ khuyến khích người dân thích nghi và áp dụng các thói quen mới nói trên.

Lộ trình trên cũng được xây dựng làm cơ sở đảm bảo cuộc sống mới cho người dân trong quá trình chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Không chỉ dùng để tham chiếu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lộ trình này cũng cho phép người dân tiến hành các hoạt động như bình thường.
Quá trình xây dựng lộ trình có sự tham gia của các bên liên quan và có tham khảo kinh nghiệm của các nước khác. Lộ trình này sẽ được điều chỉnh theo diễn biến của dịch bệnh trong nước, với ba mục tiêu gồm giảm tỷ lệ tử vong xuống khoảng 2%, số bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly dưới ngưỡng 100.000 người và tỷ lệ xét nghiệm dương tính dưới 5%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tangerang, Indonesia, ngày 13/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Chính phủ Indonesia sẽ tiến hành một số hoạt động thí điểm thực thi quy định y tế trong 6 lĩnh vực chính, gồm địa điểm kinh doanh, cụ thể là chợ truyền thống và trung tâm mua sắm hiện đại; hệ thống giao thông công cộng đường không, đường bộ và đường biển; các điểm đến du lịch như khách sạn, nhà hàng, chương trình biểu diễn; các văn phòng và nhà máy sản xuất; các địa điểm thờ tự và các hoạt động tôn giáo; và cơ sở giáo dục và đào tạo các cấp.

Trước đó hôm 13/9, Chính phủ Indonesia đã công bố ba chiến lược trọng tâm hiện nay để sống chung với đại dịch COVID-19, bao gồm nâng tỷ lệ bao phủ vaccine, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi; đẩy mạnh xét nghiệm, truy vết, điều trị (3T), trong đó có việc tối ưu hóa các địa điểm cách ly tập trung; và tuân thủ nghiêm các quy trình chăm sóc y tế, bao gồm 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, và giữ khoảng cách) và việc thực hiện sàng lọc thông qua ứng dụng PeduliLindungi.
 

Philippines chuyển sang giãn cách khoanh vùng

Dự kiến, thủ đô Manila sẽ ngưng các hạn chế vì dịch COVID-19 diện rộng từ ngày 16/9 trong khi Chính phủ Philippines tiến hành thử nghiệm thí điểm về giãn cách xã hội theo khoanh vùng tại thành phố này. Việc giãn cách xã hội theo khoanh vùng sẽ đi kèm với 5 mức cảnh báo để xác định phạm vi được phép vận hành của các đơn vị kinh doanh. Việc giãn cách xã hội theo khoanh vùng sẽ nhắm đến các tòa nhà, đường phố hoặc khu dân cư nhất định thay vì bao phủ toàn thành phố như hiện nay. Nếu thành công, “công thức” tương tự có thể được áp dụng trên khắp Philippines. Thay đổi trong chiến thuật COVID-19 của Chính phủ Philippines cũng có thể sớm tạo điều kiện cho các trường học mở lớp trực tiếp có giới hạn và những cơ sở giải trí trong nhà hoạt động trở lại ở khu vực có tỷ lệ lây lan thấp cùng năng lực y tế tương xứng.

Manila với 13 triệu người là điểm nóng dịch của Philippines. Chỉ tính riêng trong 30 ngày qua, tổng số ca mắc mới COVID-19 của Manila đã chiếm tới hơn 1/5 số ca của toàn quốc là 2,2 triệu trường hợp.

Chú thích ảnh
Philippines đã ghi nhận kỷ lục ca nhiễm mới trong ngày 11/9, với 26.303 ca. Ảnh: Reuters 

Ngày 14/9, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez thông báo nước này đã có đủ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho 100 triệu người dân từ nay tới cuối năm. Theo ông Carlos Dominguez, tính tới ngày 12/9, số vaccine được tài trợ và đặt mua của chính phủ đã đạt mức 121,13 triệu liều. Khoảng 50,21 triệu liều khác được quyên góp từ các đối tác song phương và qua chia sẻ của cơ chế COVAX. Ngoài ra, 24,12 triệu liều vaccine được các chính quyền địa phương và công ty tư nhân đặt mua sẽ giúp mở ra khả năng đủ vaccine tiêm cho 100 triệu người dân quốc gia Đông Nam Á này. 

Tới nay, Philippines đã tiêm hơn 39 triệu liều vacicne ngừa COVID-19, trong đó có hơn 17 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi. 

Campuchia lo ngại làn sóng lây nhiễm mới;  Thủ tướng Hun Sen tiêm mũi 3

Ngày 14/9, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine bày tỏ lo ngại về khả năng sẽ xảy ra đợt lây nhiễm biến thể mới nếu không áp dụng các biện pháp y tế phù hợp. Phát biểu thận trọng trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mới vài ngày gần đây tăng trở lại mức gần 700 ca/ngày.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 9 người tử vong và 657 ca mới trong 24 giờ qua, trong đó có 153 ca nhập cảnh và 504 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy, Campuchia đã có tổng cộng 100.790 ca mắc, trong đó 94.904 người khỏi bệnh và 2.058 người tử vong.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang và được đo thân nhiệt để phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiến dịch tiêm phòng tiếp tục đạt được những bước tiến đáng kể khi mục tiêu tiêm phòng cho người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) dự kiến hoàn tất trong tháng 9. Theo báo cáo mới nhất, Campuchia đặt mục tiêu tiêm phòng cho 12 triệu người (tính cả hơn 1,9 triệu thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi). Đến nay, chỉ còn chưa tới 600.000 người trong độ tuổi tiêm phòng COVID-19 chưa được tiêm mũi nào.

Cũng trong ngày 14/9, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen và phu nhân đã tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 vào thời điểm đã có gần 780.000 người sinh sống tại Campuchia đã được tiêm mũi thứ ba. Ông Hun Sen khẳng định tất cả mọi người sẽ được tiêm mũi tăng cường. Cuối tuần trước, Thủ tướng Hun Sen cho biết Trung Quốc sẽ viện trợ thêm cho Campuchia 3 triệu liều vaccine để tiêm tăng cường cho người dân.

Trong nỗ lực trở lại trạng thái bình thường mới và chuẩn bị mở cửa trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Phnom Penh, chính quyền thủ đô ngày 13/9 đã dọn dẹp và khử khuẩn 68 trường công trên địa bàn. Hai ngày trước đó, các cơ sở giáo dục tư nhân cũng đã phun khử khuẩn sẵn sàng đón học sinh trở lại trường vào ngày 15/9.

Lào vẫn ghi nhận lây nhiễm cộng đồng

Bộ Y tế Lào ngày 14/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 127 ca mắc COVID-19 mới, với 54 ca lây nhiễm cộng đồng. 

Như vậy, tính đến nay, tổng số ca tại Lào là 17.682 ca, trong đó 16 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Lào, nước này vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều tỉnh. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn có số ca lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất cả nước trong 1 ngày với 24 ca, tiếp đến là tỉnh Champasak với 13 ca. Những ca còn lại vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh khác.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang di chuyển trên đường phố tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Lào vừa tiếp nhận 2 triệu USD do Chính phủ Mỹ viện trợ thông qua các tổ chức USAID và UNICEF để triển khai dự án hỗ trợ dịch vụ tiêm chủng. Theo đó, khoản viện trợ này sẽ được sử dụng vào việc tăng cường hiệu quả phân bổ vaccine COVID-19 đến được những nhóm đối tượng ưu tiên, đồng thời hỗ trợ theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch tiêm chủng mà chính phủ Lào đã đề ra.

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 15/9: Thêm 8.333 người chết; Mỹ ca tử vong mới vọt tăng gấp đôi
COVID-19 tới 6h sáng 15/9: Thêm 8.333 người chết; Mỹ ca tử vong mới vọt tăng gấp đôi

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 460.000 ca mắc COVID-19 và 8.333 ca tử vong. Mỹ đứng đầu thế giới về cả tử vong và nhiễm mới khi số ca tử vong tăng gấp đôi so với ngày 13/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN