COVID-19 tại ASEAN hết 15/10: Toàn khối có 8.305 ca bệnh mới; Indonesia vượt Philippines về ca mắc

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 15/10, 7 quốc gia ASEAN ghi nhận 8.305 ca mắc COVID-19 và 198 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 811.499 ca, trong đó 19.825 người tử vong. 

Indonesia trở thành điểm nóng COVID-19 lớn nhất ASEAN

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 9/10. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại một số nước Đông Nam Á đang phức tạp trở lại. Indonesia đã vượt Philippines trở thành quốc gia ghi nhận số ca mắc cao nhất khu vực.

Bộ Y tế Indonesia ngày 15/10 thông báo đã ghi nhận thêm 4.411 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 349.160 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 112 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 12.268 ca. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng để vào một chợ ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines cùng ngày cũng thông báo có thêm 2.261 ca mắc và 50 ca tử vong. Tổng số ca mắc và ca tử vong tại nước này hiện lần lượt là 348.698 ca và 6.497 ca.

Myanmar có thêm 1.026 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 32.251 ca. Số ca tử vong tăng thêm 33 ca, nâng tổng số lên 765 ca.

Malaysia cũng ghi nhận 589 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 18.129 ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên 3 ca, hiện là 170 ca. 

Tình hình vaccine ngừa COVID-19

Philippines muốn toàn thể người dân được chủng ngừa

Chú thích ảnh
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại cuộc họp ở Manila. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters (Anh), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 14/10 cho biết chính phủ nước này có kinh phí mua vaccine ngừa COVID-19, nhưng sẽ cần thêm để toàn thể người dân nước này đều được tiêm chủng.

Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người dân nước này, ước tính khoảng 113 triệu người, nhưng sẽ ưu tiên người nghèo, lực lượng cảnh sát và quân đội.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Duterte nhấn mạnh: "Tất cả mọi người đều phải có vaccine không trừ trường hợp nào". Ông Duterte đề cập các loại vaccine của Nga và Trung Quốc. Hai nước này đã đề nghị tiến hành thử nghiệm lâm sàng các vaccine ngừa COVID-19 tại Philippines. Ngoài ra, Philippnines cũng đang đánh giá vaccine do công ty Jansen thuộc tập đoàn Johnson & Johnson's phát triển. 

Chú thích ảnh
Bên trong một cơ sở cách ly dành cho bệnh nhân COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 29/9. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, giới chức Philippines thông báo Công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc có thể bắt đầu thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine phòng COVID-19 tại nước này vào tháng tới.

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Philippines Rolando Enrique cho biết trong 2 tuần tới, cơ quan này có thể nhận được đơn chính thức của Sinovac xin thử nghiệm giai đoạn 3. Sau đó, FDA sẽ xem xét và đưa ra quyết định, và việc thử nghiệm có thể được tiến hành ngay trong tháng 11. 

Người phát ngôn của Sinovac xác nhận vaccine đã được chuyển đến quốc gia Đông Nam Á nhằm có thể bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3, song không nêu khung thời gian cụ thể.

Indonesia kêu gọi quyền tiếp cận công bằng vaccine COVID-19

Chú thích ảnh
Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 tại trung tâm y tế ở Bandung, Indonesia ngày 14/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh các quốc gia đang phát triển phải được tiếp cận công bằng các loại vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai.

Theo Ngoại trưởng Marsudi, việc hợp tác giữa các quốc gia giàu và nghèo đóng vai trò quan trọng để bảo đảm quyền tiếp cận công bằng vaccine an toàn với giá thành vừa phải. 

Chú thích ảnh
Nhân viên làm việc tại công ty dược phẩm Bio Farma, Bandung, Tây Java, Indonesia ngày 12/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Tháng trước, tổ chức Oxfarm công bố một báo cáo cho thấy một nhóm nước giàu chỉ chiếm 13% tổng dân số toàn cầu nhưng đã đặt mua hơn một nửa tổng số liều vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng.

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Masrudi cho biết công ty dược phẩm AstraZeneca có trụ sở tại Anh sẽ cung cấp cho Indonesia 100 triệu liều vaccine vào năm 2021. Theo bà Marsudi, Bộ Y tế Indonesia đã ký một thư ngỏ với AstraZeneca và lô hàng đầu tiên sẽ được giao vào nửa đầu năm sau.

Singapore thiết lập “bong bóng du lịch” với Hong Kong

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 15/10, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore cho biết hai bên đã nhất trí về mặt nguyên tắc trong việc thiết lập “bong bóng du lịch”, cho phép người dân đi lại tự do giữa hai trung tâm tài chính này, miễn là họ có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Theo tuyên bố chung, hai bên cho biết thỏa thuận trên sẽ được thực hiện trong vài tuần tới và sẽ không có giới hạn về mục đích chuyến đi. Điều này có nghĩa là khách du lịch cũng sẽ được chào đón như các doanh nhân. Những hành khách di chuyển giữa Hong Kong và Singapore theo hình thức này cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và đi lại bằng các máy bay được chỉ định. Do đó, hành khách không cần phải cách ly khi đến nơi. Và sẽ không có hành khách quá cảnh nào được phép lên các chuyến bay “bong bóng du lịch” này. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN

Hai bên cũng cam kết bổ sung chi tiết thông tin về "bong bóng du lịch" trong những tuần tới và mong muốn nối lại việc đi lại giữa Hong Kong-Singapore song song với việc áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết để đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Chính quyền Hong Kong kỳ vọng “bong bóng du lịch” sẽ giúp khôi phục hoạt động đi lại bằng đường không giữa hai bên một cách an toàn. Về phần mình, Bộ trưởng Giao thông Singapore Ong Ye Kung cho rằng cả hai bên đều có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp và đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Thông tin về “bong bóng du lịch” giữa Hong Kong và Singapore ngay lập tức đã đẩy giá cổ phiếu của hãng hàng không Cathay Pacific tăng 7% và Singapore Airlines tăng 1,15%.  

Thùy Dương/Báo Tin tức
EC cảnh báo nhiều thành viên chưa sẵn sàng đối phó với đợt dịch COVID-19 mới
EC cảnh báo nhiều thành viên chưa sẵn sàng đối phó với đợt dịch COVID-19 mới

Ngày 15/10, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo chính phủ nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chưa sẵn sàng cho cuộc chiến chống đợt lây nhiễm mới của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN