COVID-19 tại ASEAN hết 14/11: Cả khối thêm 527 người chết; Ca tử vong mới ở Philippines cao nhất

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 14/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 27.478 ca mắc COVID-19 và 527 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 13.589.842 ca, trong đó 284.538 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 1/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 14/11, Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN. Nước này ghi nhận 7.079 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.018.410 ca. 

Tại Malaysia, nước này có thêm 5.809 ca mắc mới, đứng thứ ba ASEAN trong ngày 14/11, sau Việt Nam và Thái Lan. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.541.147 ca mắc COVID-19. 

Singapore ghi nhận 2.304 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 235.480 ca mắc. 

Tiếp đó là Philippines với 1.900 ca mắc mới; Lào với 985 ca mắc mới; Myanmar với 831 ca mắc mới; Indonesia với 339 ca mắc mới; và Campuchia với 55 ca mắc mới.

Về số ca tử vong, đa số quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (309 ca), Việt Nam (64 ca), Malaysia (55 ca), Thái Lan (47 ca), Indonesia (15 ca), Singapore (9 ca), Campuchia (6 ca) và Lào (3 ca). 

Lào ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới 

Chú thích ảnh
Phun khử trùng nhằm ngăn dịch COVID-19 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 985 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số lên 54.192 ca.

Bộ Y tế Lào nêu rõ số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tuy đã giảm xuống mức 3 con số nhưng vẫn ở mức cao; trong đó có tới 981 ca lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 489 ca cộng đồng trong một ngày. Hiện số bản được quy định là vùng đỏ ở thủ đô tiếp tục tăng cao, với 323 bản tại 9 quận.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh như: Luang Prabang,  Champasak,  Xayaboury…

Bộ Y tế Lào cũng cho biết nước này ghi nhận thêm 3 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 99 người. Như vậy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, Lào đã ghi nhận 34 ca tử vong vì COVID-19.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng; đồng thời đề xuất kế hoạch tiêm chủng theo số lượng công dân đã lập trong danh sách, chuẩn bị đội ngũ y tế, tình nguyện, phương tiện và thiết bị, ngân sách cho hoạt động tiêm chủng ở cả đô thị và nông thôn; mở rộng điểm tiêm chủng vaccine ở mọi cấp, bao gồm trạm xá hoặc trụ sở chính quyền bản với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm; sử dụng vaccine được phân bổ đạt hiệu quả tối đa, không để lãng phí, giảm chất lượng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân có triệu chứng hoặc đã từng tiếp xúc với ca bệnh cần khẩn trương đến các cơ sở y tế hoặc liên hệ ngay với các đội y tế lưu động để lấy mẫu xét nghiệm.  

Campuchia ngừng cách ly người nhập cảnh đã tiêm vaccine đầy đủ

Chú thích ảnh
Kiểm tra chứng nhận tiêm phòng COVID-19 của người dân tại một khu chợ ở Phnom Penh, Campuchia ngày 11/10. Ảnh: THX/TTXVN

Chiều 14/11, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thông báo nước này sẽ chấm dứt cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Campuchia vẫn áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người nhập cảnh chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Thủ tướng Hun Sen cho biết tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của Campuchia đã đạt gần 88% trong tổng số 16 triệu người dân nước này. Trên cơ sở này, Campuchia không cần thực hiện cách ly ngoại trừ trường hợp chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Thủ tướng Hun Sen nêu rõ: “Những người chưa tiêm phòng phải được cách ly trong 14 ngày, nhưng đối với những người đã tiêm 2 mũi vaccine, gồm cả người Campuchia và người nước ngoài, khi nhập cảnh Vương quốc Campuchia không phải thực hiện cách ly.

Thủ tướng Hun Sen nêu rõ đối với những người nhập cảnh qua đường hàng không tại thủ đô Phnom Penh, thành phố Sihanoukville và Siem Reap phải tiến hành xét nghiệm PCR có thể ở nhà (đối với người dân địa phương) và tại khách sạn (đối với khách du lịch hoặc doanh nhân) trong thời gian chờ đợi kết quả.

Để thực hiện chủ trương trên, Thủ tướng Hun Sen chỉ đạo Bộ Y tế Campuchia tăng cường năng lực máy xét nghiệm PCR tại thủ đô Phnom Penh, thành phố Sihanoukville và thành phố Siem Reap, tăng cường chất lượng dịch vụ xét nghiệm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Hun Sen cũng chỉ đạo các bộ, ban, ngành của Campuchia khẩn trương phối hợp để ông có thể ký thông qua quyết định nói trên từ ngày 15/11 tới.

Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, ngày 13/11 Campuchia ghi nhận 55 ca nhiễm mới qua xét nghiệm PCR và 6 ca tử vong (trong đó 4 ca chưa tiêm vaccine). Cho đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 119.536 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 2.867 ca tử vong. Cho đến ngày 13/11, Campuchia đã tiêm phòng COVID-19 cho 87,82% trên tổng số 16 triệu người dân nước này.

Thái Lan lên kế hoạch mở lại các cửa khẩu ở vùng cực Nam để thúc đẩy du lịch

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại tỉnh Pattani, miền Nam Thái Lan ngày 7/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch mở lại các cửa khẩu ở vùng cực Nam của nước này vào ngày 16/12 tới nhằm thúc đẩy du lịch trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày đang giảm xuống.

Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek ngày 13/11 cho biết việc tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các tỉnh Songkhla, Pattani, Yala và Narathiwat đã được đẩy nhanh với mục tiêu ít nhất 60% cư dân được tiêm mũi đầu tiên. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) đang lên kế hoạch mở lại cửa khẩu Sadao ở tỉnh Songkhla, cửa khẩu Sungai Kolok ở tỉnh Narathiwat, cửa khẩu Betong ở tỉnh Yala và cửa khẩu Wang Prachan ở tỉnh Satun vào ngày 16/12 nhằm thúc đẩy khu vực du lịch ở miền Nam Thái Lan.

Đến nay, Thái Lan đã mở lại 46 cửa khẩu, trong khi vẫn còn 51 cửa khẩu đóng cửa do đại dịch COVID-19.

Hai tuần sau khi mở cửa trở lại cho khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ đến Thái Lan bằng đường hàng không mà không phải cách ly, ngành du lịch nước này đang có dấu hiệu phục hồi, cho dù lượng du khách thấp hơn dự kiến. Để giúp các nhà khai thác ổn định trở lại, các doanh nghiệp đang thúc giục chính phủ giảm bớt các quy định nhập cảnh, nới lỏng hơn nữa các quy định phòng chống COVID-19 và tung ra các gói tài chính nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này.

Thái Lan đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng mới cho năm 2021, sau khi thông báo sẽ sớm đạt mục tiêu tiêm được 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 11 này, sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Quốc gia Đông Nam Á này sẽ mua được 155,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay, vượt xa mục tiêu 100 triệu liều mà chính phủ đề ra vào tháng 4. CCSA đặt mục tiêu mới trước cuối năm nay 80% dân số Thái Lan được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 70% dân số được tiêm đủ hai mũi.

Phần lớn ca tử vong tại Malaysia mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 31/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Malaysia ngày 14/11 thông báo phần lớn những ca tử vong do dịch COVID-19 ở nước này đều liên quan đến những người có bệnh lý nền như tiểu đường và huyết áp cao.

Phó Cục trưởng Cục kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Feisul Idzwan Mustapha cho hay số liệu thống kê về các ca tử vong do COVID-19 tính đến ngày 28/10, cho thấy 4/10 ca tử vong do COVID-19 ở nước này, tương đương với 37,3% số ca, bị mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với năm 2020, khi con số thông kê ở mức 38,8%. Ông nhấn mạnh trên quy mô toàn cầu, những người có bệnh lý nền có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm nghiêm trọng hơn và tử vong do COVID-19 cao hơn. Điều này lại càng nghiêm trọng hơn đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là nếu tình trạng bệnh không được kiểm soát tốt. Tiến sĩ Feisul cho biết thêm khi một bệnh nhân tiểu đường bị mắc COVID-19, người này có thể phải chịu những biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm cả tình trạng viêm nhiễm.

Theo báo cáo, tại Malaysia hiện có gần 20% người trưởng thành, tương đương với khoảng 3,9 triệu người đang sống chung với bệnh tiểu đường. Quan chức cấp cao Bộ y tế nước này, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết điều đáng lo ngại là khoảng 50% trong số người này không biết rằng mình bị mắc bệnh.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia, Tiến sĩ Koh Kar Chai cho rằng đã có sự gia tăng tỷ lệ mắc tiểu đường ở các nhóm tuổi trẻ hơn, chủ yếu là do bệnh béo phì ở trẻ em. Trong khí đó, theo kết quả điều tra Sức khỏe và Bệnh tật quốc gia năm 2019, huyết áp cao là một trong những bệnh không lây nhiễm chính ở Malaysia, ảnh hưởng đến 30% dân số trưởng thành, tương đương với khoảng 6,4 triệu người.

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này có thêm 5.809 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó có 5.782 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 27 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca bệnh lên 2.541.147 ca.  Malaysia cũng ghi nhận thêm 55 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 29.631 ca. 

Đến nay, khoảng 78,4% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trong khi 75,9% đã hoàn thành tiêm chủng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Quốc gia đầu tiên áp dụng phong tỏa với người không tiêm vaccine COVID-19
Quốc gia đầu tiên áp dụng phong tỏa với người không tiêm vaccine COVID-19

Bắt đầu từ 15/11, Áo sẽ áp dụng các biện pháp mới đối với những đối tượng không tiêm vaccine phòng COVID-19. Biện pháp này nhằm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện và phòng chăm sóc điều trị tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN