Phó Cục trưởng Cục kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Feisul Idzwan Mustapha cho hay số liệu thống kê về các ca tử vong do COVID-19 tính đến ngày 28/10, cho thấy 4/10 ca tử vong do COVID-19 ở nước này, tương đương với 37,3% số ca, bị mắc bệnh tiểu đường. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với năm 2020, khi con số thông kê ở mức 38,8%.
Ông nhấn mạnh trên quy mô toàn cầu, những người có bệnh lý nền có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm nghiêm trọng hơn và tử vong do COVID-19 cao hơn. Điều này lại càng nghiêm trọng hơn đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là nếu tình trạng bệnh không được kiểm soát tốt. Tiến sĩ Feisul cho biết thêm khi một bệnh nhân tiểu đường bị mắc COVID-19, người này có thể phải chịu những biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm cả tình trạng viêm nhiễm.
Theo báo cáo, tại Malaysia hiện có gần 20% người trưởng thành, tương đương với khoảng 3,9 triệu người đang sống chung với bệnh tiểu đường. Quan chức cấp cao Bộ y tế nước này, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết điều đáng lo ngại là khoảng 50% trong số người này không biết rằng mình bị mắc bệnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh tiểu đường Malaysia Jong Koi Chong, người dân nền đi tầm soát bệnh thường xuyên và phải ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh này. Ông Chong cho rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở những người trẻ tuổi từ 18 đến 40 đã tăng 50% trong 15 năm qua. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề do căn bệnh này và các biến chứng của nó.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia, Tiến sĩ Koh Kar Chai cho rằng đã có sự gia tăng tỷ lệ mắc tiểu đường ở các nhóm tuổi trẻ hơn, chủ yếu là do bệnh béo phì ở trẻ em.
Trong khí đó, theo kết quả điều tra Sức khỏe và Bệnh tật quốc gia năm 2019, huyết áp cao là một trong những bệnh không lây nhiễm chính ở Malaysia, ảnh hưởng đến 30% dân số trưởng thành, tương đương với khoảng 6,4 triệu người.