Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 10/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 89.866 ca mắc mới COVID-19 và 2.982 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 8.221.691 trường hợp và 175.432 ca tử vong. Toàn khối có 6.856.391 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 7 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 2.048 ca; Việt Nam đứng thứ hai với 388 ca; Thái Lan ghi nhận 235 ca; Malaysia với 201 ca tử vong, trong khi Philippines thêm 92 ca, Campuchia thêm 17 ca và Timor Leste ghi nhận 1 ca.
Với 32.081 ca nhiễm trong ngày 7/8, Indonesia tiếp tục dẫn đầu khối về lây nhiễm mới. Nước này tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 3.718.821 ca bệnh và 110.619 ca tử vong.
Malaysia có số ca nhiễm mới đứng thứ hai trong khối với 19.991 trường hợp, nâng tổng ca bệnh lên 1.299.767 người, bao gồm 11.162 ca tử vong.
Tình hình Thái Lan chưa có dấu hiệu dịu đi với 19.843 ca trong ngày, nâng tổng ca bệnh lên 795.951 người, bao gồm 6.588 ca tử vong.
Cùng ngày, Philippines ghi nhận ca nhiễm giảm xuống dưới ngưỡng 10.000, với 8.560 ca; Việt Nam có 8.385 ca mới, nâng tổng số ca lên 228.082 kể từ đầu đại dịch; trong khi Campuchia ghi nhận số ca nhiễm mới đang giảm dần, với 499 ca; Lào thêm 315 ca.
Ca tử vong tăng mạnh trở lại, Indonesia chuẩn bị lộ trình "sống chung" với dịch trong nhiều năm
Ngày 10/8, Lực lượng Đặc nhiệm Xử lý COVID-19 của Chính phủ Indonesia đã ghi nhận thêm 2.048 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ, cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này. Mốc cao nhất là 2.069 ca tử vong, được ghi nhận vào ngày 27/7 vừa qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia hiện là 110.619 ca.
Số ca tử vong ở Indonesia liên tục gia tăng kể từ tháng 7 và thường xuyên ở mức trên 1.000 ca mỗi ngày trong vài tuần qua. Nước này cũng ghi nhận 32.081 ca mắc mới trong ngày 10/8, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới lên mức 3.718.821 ca.
Trước đó hôm 9/8, Chính phủ Indonesia đã quyết định kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 từ ngày 10-16/8 tại Java và Bali, và từ ngày 10-23/8 tại nhiều khu vực bên ngoài hai hòn đảo đông dân này. Chính phủ cũng quyết định nới lỏng có điều kiện một số hạn chế xã hội, như cho phép mở cửa các trung tâm thương mại, các công ty sản xuất hàng xuất khẩu, tổ chức dạy học trực tiếp và hoạt động cầu nguyện tại nhà thờ.
Trong một diễn biến khác, truyền thông Indonesia ngày 10/8 cho biết Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị cho Bộ Y tế chuẩn bị lộ trình sống chung với COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh này còn kéo dài trong nhiều năm nữa.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay chỉ thị nói trên được đưa ra xuất phát từ nhận định rằng dịch COVID-19 có khả năng còn tồn tại ở Indonesia trong một thời gian dài. Ông Budi khẳng định trong lộ trình sống chung với COVID-19, các quy định phòng dịch cần đảm bảo việc vận hành các hoạt động kinh tế một cách bình thường. Theo đó, Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện một dự án thí điểm áp dụng các quy định phòng dịch dựa vào công nghệ kỹ thuật số trong 6 lĩnh vực gồm thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông, du lịch, tôn giáo và giáo dục.
Hiện Bộ Y tế Indonesia đã nhận được các chỉ đạo định hướng nhằm đảm bảo rằng các quy định phòng dịch sẽ "đồng hành với cuộc sống hàng ngày" của người dân trong giai đoạn tới dựa trên việc áp dụng công nghệ thông tin.
Campuchia: Tiêm liều vaccine tăng cường; Không cho bệnh nhân nhiễm biến thể Delta điều trị tại nhà
Ủy ban Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 của Campuchia cho biết chiến dịch tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19 sẽ được thực hiện tại Phnom Penh từ ngày 12/8-10/9.
Cụ thể, công tác tiêm phòng liều tăng cường này sẽ được thực hiện với các trường hợp ưu tiên là các bác sĩ tuyến đầu, công chức, gia đình cán bộ lực lượng vũ trang và cựu chiến binh đã tiêm hai mũi trước đó với vaccine của Sinopharm hoặc Sinovac (Trung Quốc).
Theo Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, nước này chưa triển khai tiêm mũi ba cho những người trước đó đã tiêm vaccine của AstraZeneca, do Bộ Y tế Campuchia chưa nghiên cứu rõ ràng về khoảng cách tiêm giữa hai mũi đầu với mũi thứ ba vaccine của AstraZeneca.
Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Campuchia đã cho thấy dấu hiệu thành công khi số ca mắc mới COVID-19 lần đầu tiên trong 7 tuần qua đã giảm xuống dưới mức 500 ca/ngày. Theo Bộ Y tế Campuchia, ngày 10/8 là ngày thứ 9 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm. Trong 24 giờ qua, Campuchia có 499 ca mắc mới, bao gồm 125 ca nhập cảnh và 374 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, nước này phát hiện tổng cộng 82.898 ca mắc COVID-19, trong đó 77.037 người khỏi bệnh và 1.602 người tử vong.
Tuy nhiên, nguy cơ biến thể Delta lây lan mạnh tại Campuchia vẫn thường trực, khi người lao động di cư nước này đang đổ về khu vực biên giới Thái Lan-Campuchia, chờ ngày 13/8 biên giới mở cửa trở lại để có thể về nước.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/8, Campuchia thông báo các bệnh nhân mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Delta sẽ không được phép điều trị tại nhà. Trong thư gửi tới lãnh đạo các sở y tế trên toàn quốc, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng nêu rõ: “Toàn bộ bệnh nhân COVID-19 do nhiễm biến thể Delta, hoặc là ca nhập cảnh hoặc là lây nhiễm trong cộng đồng phải điều trị tại các trung tâm được chỉ định điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hoặc tại các bệnh viện dựa trên tình hình sức khoẻ của họ”.
Ông Mam Bunheng cho biết các bệnh nhân nhiễm biến thể Delta phải điều trị tại bệnh viện trong ít nhất 21 ngày và sau khi được xuất viện, họ phải tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày nữa.
Timor Leste lần đầu tiên phát hiện biến thể Delta trong cộng đồng
Timor Leste đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng, khiến Bộ Y tế nước này lo ngại về sự gia tăng đột biến số ca nhiễm.
Trong bản phân tích gien mà Viện Doherty của Australia thực hiện tuần đầu tháng 8, có 12 trong số 28 mẫu nhiễm ở vùng Ermera là biến thể Delta. Ermera là nơi có số ca đang điều trị cao nhất và tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất ở Timor Leste.
Các chuyên gia y tế cộng đồng nhận định số ca nhiễm ngày càng tăng ở nhiều nơi khác nhau chứng tỏ rằng biến thể Delta cũng có mặt ở đó. Báo cáo của Bộ trên cho biết sự lây lan của biến thể Delta "có khả năng làm gia tăng đáng kể số ca nhiễm bệnh, bao gồm cả các ca bệnh nặng và số người tử vong", và việc cần làm hiện nay là tập trung thúc đẩy tiêm vaccine tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Thái Lan: Biến thể Delta chiếm hơn 90% ca nhiễm; Lại kỷ lục ca tử vong
Kết quả khảo sát của Cục Khoa học Y tế cho thấy biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang nhanh chóng trở thành biến thể chính ở Thái Lan, với hơn 90% bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể này.
Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Supphakit Siriluck ngày 10/8 cho biết trong số 1.632 mẫu được khảo sát vào tuần trước, có 1.499 mẫu (tương đương 91,9%) đã nhiễm biến thể Delta; 129 mẫu (7,9%) nhiễm biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên tại Anh, và có 4 mẫu (0,2%) nhiễm biến thể Beta, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Ngoài 3 biến thể trên, chưa có biến thể nào khác được phát hiện ở Thái Lan.
Tiến sĩ Supphakit nhận xét xu hướng lây nhiễm ở Thái Lan cho thấy biến thể Delta đang nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến và có thể được tìm thấy ở tất cả các tỉnh, trong khi biến thể Alpha cuối cùng sẽ không tồn tại. Riêng biến thể Beta vẫn sẽ ở các tỉnh miền Nam và không lan ra các vùng khác.
Thái Lan ngày 10/8 lại ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mốc cao mới. Số liệu của Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 19.843 ca nhiễm và 235 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 795.951, trong đó có 6.588 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ ba ở Thái Lan, với 4.226 ca nhiễm mới cùng 111 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 10/8.
Do tình hình hiện nay ở Thái Lan, Mỹ đã đưa nước này vào danh sách cảnh báo người dân tránh đi lại.