Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ngay cả khi các hạn chế COVID-19 được nới lỏng, những người làm việc tại chính quyền thành phố tỉnh Chiết Giang vẫn không có đủ tiền để đi du lịch, sau khi mức lương hàng tháng của họ đã bị giảm 2.000 nhân dân tệ (khoàng 7 triệu đồng) xuống còn 5.000 nhân dân tệ (khoàng 18 triệu đồng).
“Chúng tôi bị cắt khoảng 25% lương và tôi cũng không mong đợi nhiều về khoản thưởng cuối năm trong hoàn cảnh này”, Tian nói và nhắc đến lời kêu gọi của chính phủ rằng công chức nhà nước phải “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa.
Giống như hầu hết các công chức, mức lương cơ bản hàng tháng của Tian được tính bằng các khoản phụ cấp và tiền thưởng hiệu suất, nhưng hiện các khoản này đã bị cắt giảm. Trong khi trên mạng xã hội, nhiều người đã phàn nàn phải vật lộn để kiếm sống vì bị giảm lương, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết việc “thắt lưng buộc bụng” là cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển.
Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã giảm thuế và phí tới 8,6 nghìn tỉ nhân dân tệ. Do đó, giới chức nước này cho rằng công chức cần phải san sẻ khó khăn này để chính phủ có thể mang lại nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp và tiếp thêm sức mạnh cho nền kinh tế.
Theo số liệu thống kê mới nhất của chính phủ, Trung Quốc có 7,1 triệu công chức vào cuối năm 2015. Họ tương đối may mắn khi có công việc và thu nhập ổn định trong một thị trường cạnh tranh vô cùng gay gắt. Nhưng ngay cả các công chức ở một số khu vực giàu có và phát triển nhất của đất nước - như Thượng Hải, bờ biển phía đông và phía nam - cũng đang cảm thấy khó khăn.
Một công chức tại thủ phủ kinh tế tỉnh Quảng Đông cho biết anh và nhiều đồng nghiệp khắp tỉnh đều bị giảm lương. “Đúng là có chính sách thắt lưng buộc bụng. Theo những gì tôi biết, nhiều người đã bị giảm 20-23% lương. Các khoản bị cắt giảm chủ yếu là những khoản phúc lợi ngoài lương, như trợ cấp nhà ở. Tại Quảng Đông, mức lương của công chức không đồng đều, nên mức cắt giảm ở các thành phố có thể khác nhau”, công chức giấu tên cho biết.
Mức lương cơ bản của công chức ở Trung Quốc khá thấp, ngay cả các quan chức cấp bộ cũng chỉ nhận được chưa đến 9.000 nhân dân tệ (khoảng 32 triệu đồng/tháng). Các quan chức cấp cơ sở - “xương sống” của đội ngũ cán bộ hành chính - nhận khoảng 5.000 nhân dân tệ (18 triệu đồng)/tháng.
Song, thu nhập của họ cao hơn là nhờ một số khoản trợ cấp - bao gồm trợ cấp nhà ở, đi lại, giáo dục, tiền điện thoại, phí chăm sóc con cái và trợ cấp y tế, cộng với tiền thưởng cuối năm không được công khai.
Theo ông Alfred Wu, Giáo sư tại khoa Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, động lực chính đằng sau chính sách “thắt lưng buộc bụng” chưa từng có này là tình hình tài chính của nhiều địa phương ngày càng tồi tệ. Các khu vực này đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép do đại dịch COVID-19 và sụt giảm doanh thu do thị trường nhà ở phát triển chậm.
“Thu nhập thực tế của công chức Trung Quốc liên quan nhiều đến tình hình tài chính của đơn vị làm việc và khu vực của họ. Nhiều chính quyền cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc đang ở trong tình trạng đỏ, giờ đây họ không còn nhiều tiền để trả trợ cấp cho công chức”, ông nói.
Trong thông điệp kêu gọi công chức “thắt lưng buộc bụng”, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang đứng trước những thách thức kinh tế “chưa từng có” do đại dịch gây ra, ông kêu gọi chính phủ các cấp nên cắt giảm chi tiêu và giảm một nửa chi tiêu “không cấp thiết và không thiết yếu”.
Theo kiểm kê của báo cáo tài chính cấp tỉnh, mặc dù chính quyền trung ương cam kết sẽ chi thêm ngân sách cho các chính quyền địa phương để khắc phục tình trạng thâm hụt, nhưng chỉ có 1 trong số 31 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung Quốc đại lục - Thượng Hải - đạt thặng dư ngân sách tính đến tháng 11 năm ngoái. Có tới 18 tỉnh - chủ yếu ở miền tây, miền bắc và miền trung Trung Quốc - ghi nhận mức thâm hụt lớn hơn tổng thu nhập của họ. Trong đó, Tây Tạng dẫn đầu bảng thâm hụt với 177,6 tỉ nhân dân tệ, gấp hơn 7 lần doanh thu.
Lin Caiyi, Giáo sư kinh tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, ước tính rằng tính đến tháng 10/2021, các khoản nợ của chính quyền địa phương ở mức 30 nghìn tỉ nhân dân tệ, trung bình hơn 21.000 nhân dân tệ/người dân.
Giáo sư Wu cho biết kinh tế của chính quyền địa phương đã trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây vì COVID-19. Ông nói: “Trong khi các đợt phong toả đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của nhiều tỉnh thành, chiến lược không COVID cứng rắn của đất nước buộc nhiều địa phương phải mua một lượng lớn các bộ xét nghiệm để tiến hành nhiều đợt xét nghiệm diện rộng cho tất cả người dân, cùng với chi tiêu cho vaccine, đồ bảo hộ”.
Một quan chức y tế ở tỉnh Cam Túc phía tây bắc đã xác nhận điều này. Ông cho biết tỉnh đã chi “hàng chục triệu nhân dân tệ” cho các bộ dụng cụ xét nghiệm và các thiết bị y tế cần thiết khác để ngăn chặn dịch bùng phát vào tháng 10. Thậm chí, “một số bệnh viện nợ các nhà cung cấp hàng triệu nhân dân tệ”.
Song bất chấp việc cắt giảm lương, Giáo sư Wu cho biết công việc nhà nước vẫn là lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu của nhiều sinh viên tốt nghiệp, vì thị trường việc làm của Trung Quốc đã trải qua những thay đổi lớn trong 2 năm qua trong bối cảnh kinh tế suy thoái và thắt chặt quy định.
“Ngày càng nhiều lao động trẻ Trung Quốc từ bỏ công việc trong khu vực tư nhân, đặc biệt là những người trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến từng rất được săn đón. Họ thích một công việc ổn định hơn trong lĩnh vực công, nơi vẫn được hưởng nhiều đặc quyền bao gồm hỗ trợ giáo dục con cái, trợ cấp y tế, và quan trọng nhất là địa vị xã hội và mối quan hệ đi kèm với công việc”, ông Wu nói.
Số lượng thí sinh tham dự kỳ thi công chức ở Trung Quốc vào năm 2021 đạt 2,1 triệu người, cao hơn nhiều so với 1,6 triệu người vào năm 2020.
“Tôi nghĩ một công việc ổn định trong biên chế vẫn tốt hơn khu vực kinh tế tư nhân bấp bênh. Tôi chưa thấy công chức nào từ chức, dù họ liên tục phàn nàn rằng tiền thưởng và phụ cấp bị cắt ”, Tian nói.