Một số nhà nhân tích đã đưa ra nhận định trên ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ sa thải vị cố vấn bảo thủ này trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân vào cuối tháng 9 này sau giai đoạn căng thẳng xuất phát từ các phản ứng giận dữ của Bình Nhưỡng đối với cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington hồi tháng trước.
Ông Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha, cho rằng thời điểm này có thể thuận tiện cho hoạt động ngoại giao Mỹ-Triều Tiên.
Theo ông, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể biến sự thay đổi nhân sự này ở Washington thành chiến thắng trong chính trị nội bộ của Triều Tiên và điều này làm gia tăng khả năng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ sớm được tái khởi động.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của vị chuyên gia an ninh John Bolton đã làm dấy lên quan ngại rằng chính sách đối ngoại của ông Trump có thể bị chi phối nhiều hơn bởi những cân nhắc chính trị, đặc biệt là trước thềm cuộc đua tái tranh cử tổng thống 2020.
Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong, ông Park Won-gon nhận định sự ra đi của ông Bolton có nghĩa là ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo nắm toàn quyền xử lý tình trạng bế tắc hạt nhân của Triều Tiên.
Do đó, theo ông, có khả năng các chính trị gia này có thể ưu tiên các lợi ích chính trị, đặc biệt là khi mùa bầu cử đang đến gần. Tuy nhiên, trong một tuyên bố tại Nhà Trắng, Ngoại trưởng Pompeo đã bác bỏ những quan điểm cho rằng việc sa thải ông Bolton có thể khiến Mỹ có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại.
Trong khi đó, bình luận về sự thay đổi nhân sự nói trên của Mỹ, Cố vấn của Tổng thống Iran, ông Hesamaddin Ashna ngày 11/9 cho rằng việc ông Bolton bi sa thải cho thấy sự thất bại của chính sách gây sức ép của Mỹ đối với Tehran.
Trên tài khoản Twitter, ông Ashna viết: "Việc ông Bolton từ chức không chỉ là một trường hợp, mà là một bằng chứng không thể chối cãi về sự thất bại trong chiến lược của Mỹ nhằm gây sức ép tối đa đối với Iran".