Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC, ông Navarro nói: "Nếu chúng ta muốn có được một kết quả tuyệt vời, chúng ta phải để quá trình đó diễn ra".
Theo ông Navarro, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, việc ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc, quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc của các công ty Mỹ và trợ giá công nghiệp là những vấn đề trong các cuộc đàm phán, dự kiến diễn ra trong tháng 10 tại Washington.
Trước đó, ngày 5/9, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết hai bên sẽ nỗ lực để đạt được tiến bộ thực chất trong vòng đàm phán thương mại cấp cao được lên kế hoạch vào đầu tháng 10. Quan chức trên đồng thời khẳng định Bắc Kinh phản đối bất kỳ hành vi nào gây leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Ngày 1/9 vừa qua, Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu đợt áp thuế bổ sung mới đối với hàng hóa của nhau. Theo đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, gồm loa thông minh, tai nghe bluetooth và nhiều loại giày dép.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Đây là lần đầu tiên mặt hàng dầu của Mỹ trở thành mục tiêu bị áp thuế kể từ khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu cuộc tranh cãi thương mại hơn một năm trước đây.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc ép Trung Quốc từ bỏ các hành vi thương mại mà Washington cho là không công bằng, cũng như thay đổi những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, việc ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và tiếp cận thị trường.
Tranh cãi bùng nổ vào tháng 7/2018, theo đó hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Tranh cãi thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới gây lo ngại làm tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu.