Chuyến thăm Iran của Thủ tướng Nhật Bản và ảnh hưởng tới quan hệ Nhật-Mỹ

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sắp có chuyến thăm Iran, song ông Abe đang ở thế khó xử khi quan hệ giữa Tehran và đồng minh quan trọng của Nhật Bản là Mỹ rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Mỹ Donald Trump trao đổi cùng Thủ tướng Shinzo Abe (phải) tại Tokyo ngày 26/5. Ảnh:
Getty Images

Kênh CNBC (Mỹ) cho biết Thủ tướng Abe dự kiến đến thăm Iran trong tháng 6. Sự kiện diễn ra trong thời điểm Tổng thống Trump, đồng minh quan trọng nhất của Nhật Bản, đang gia tăng áp lực lên Iran và những quốc gia có quan hệ với Tehran.

Tờ Mainichi Shimbun ngày 2/6 đưa tin rằng công tác chuẩn bị được hoàn thành để Thủ tướng Abe gặp gỡ lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei trong chuyến thăm từ 12-14/6.

Trên thực tế, Chính phủ Nhật Bản chưa từng công bố chính thức về chuyến thăm của Thủ tướng Abe. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vào tháng 5 tại Tokyo, Thủ tướng Abe cho biết ông muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với Tehran.

Nhật Bản từ lâu đã duy trì mối quan hệ thân thiết với Iran vốn là nguồn cung cấp dầu mỏ chính cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này. Nhưng Nhật Bản cũng phụ thuộc nhiều vào Mỹ về vấn đề an ninh. Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979, Nhật Bản đã rất cẩn trọng trong mối quan hệ với Tehran và Washington.

Nhà nghiên cứu Sachi Sakanashi tại Viện Năng lượng Kinh tế Nhật Bản trong tháng 1 đánh giá: “Chính sách năng lượng của Nhật Bản với Iran đã trở thành lĩnh vực gây khó trong việc Tokyo tự lập khỏi Mỹ qua 4 thập niên. Ngay cả khi Nhật Bản theo đuổi chính sách năng lượng riêng với Iran thì Washington luôn gây ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng”.

Mặc dù quan hệ hữu hảo nhưng Nhật Bản và Iran hiếm khi tổ chức hội nghị cấp cao. Lần cuối cùng một Thủ tướng Nhật Bản tới thăm Iran là vào năm 1978. Cựu Tổng thống Iran Mohammad Khatami cũng đã thăm Nhật Bản từ năm 2000. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đó cũng là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Iran đến thăm Nhật Bản trong 42 năm.

Nhà nghiên cứu Sachi Sakanashi cho biết 85% dầu và 28% khí tự nhiên tiêu thụ tại Nhật Bản đều nhập từ vùng Vịnh Ba Tư. Theo bà Sachi Sakanashi, sự ổn định của Vịnh Ba Tư vô cùng quan trọng với Nhật Bản. Do vậy, Thủ tướng Abe thực sự muốn tận dụng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Iran.

Tổng thống Trump trong năm 2018 đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015, tái áp dụng lệnh trừng phạt và dùng lời lẽ mang tính cảnh báo hướng tới Tehran. Nhà Trắng cũng mới đây cũng ban hành sắc lệnh hành pháp chấm dứt qui chế miễn trừ trừng phạt dành cho 8 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu khí của Iran.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ đã nhẹ giọng trong thời gian gần đây. Khi thăm Nhật Bản tuần trước, Tổng thống Trump bày tỏ ông ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Abe đối với Iran và tuyên bố không tìm cách thay đổi chính quyền tại Tehran.

Bà Sakanashi nói: “Qua việc đến thăm và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Iran, tôi cho rằng Thủ tướng Abe có thể nỗ lực giảm thiểu căng thẳng. Bởi khi vẫn còn nỗ lực để giải quyết vấn đề và căng thẳng qua ngoại giao thì rủi ro về đối đầu có thể sẽ được giảm thiểu”.

Tuy nhiên, chuyên gia Tobias Harris tại công ty tư vấn Teneo (Mỹ) cho rằng chuyến thăm Iran của Thủ tướng Abe chủ yếu mang tính hình thức bởi chỉ có Mỹ và Iran mới có thể tự giải quyết và đạt được đột phá về căng thẳng hiện tại.

Ông Harris nói: “Nhật Bản có thể là nhà tiêu thụ năng lượng quan trọng của khu vực nhưng không phải là nhân tố quân sự quan trọng do vậy có ít nguồn lực để tác động can thiệp đối với các xung đột”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Hamas tìm ra phương thức vượt mặt Vòm Sắt
Hamas tìm ra phương thức vượt mặt Vòm Sắt

Vòm Sắt là hệ thống phòng không do Mỹ và Israel hợp tác sản xuất để bảo vệ lãnh thổ Israel. Gần đây, phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tại Palestine đã đăng video khẳng định tìm ra phương pháp để qua mặt Vòm Sắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN