Bùng nổ ứng dụng giao đồ ăn, Trung Quốc ngập trong rác nhựa

Mì sợi và thịt nướng được giao đến tay bạn trong vòng 30 phút, tuy nhiên vỏ nhựa đựng chúng sẽ lưu lại hàng trăm năm sau đó. 

Chú thích ảnh
Nhân viên mua đồ ăn hộ trên ứng dụng Meituan và Ele.me đợi khách bên ngoài cổng một văn phòng ở Thâm Quyến. Ảnh: NYT

“Di sản” hữu hình lâu dài của sự bùng nổ Internet ở Trung Quốc không phải là những tổ hợp văn phòng bằng thép và kính hiện đại cùng các căn hộ sang trọng dành cho giới thượng lưu công nghệ. Nó sẽ là nhựa.

Tốc độ phát triển nhanh như tên lửa của các ứng dụng giao đồ ăn ở Trung Quốc đang nhấn chìm đất nước này trong vỏ hộp đựng đồ ăn, đồ uống mang đi cùng túi nilon. Và trong bối cảnh hệ thống tái chế rác thải còn lạc hậu, phần lớn số rác thải nhựa này sẽ bị vứt bỏ, đem chôn hoặc đốt cùng với các loại rác khác. 

Tờ New York Times đưa tin các nhà nghiên cứu ước tính ngành kinh doanh giao đồ ăn trực tuyến ở đất nước châu Á này đã thải ra khoảng 1,6 triệu tấn rác bao bì năm 2017, tăng gấp 9 lần so với hai năm trước đó. Con số này bao gồm 1,2 triệu tấn vỏ hộp nhựa, 175.000 tấn đũa dùng một lần, 164.000 tấn túi nilon và 44.000 tấn thìa nhựa. 

Cộng chung lại, chúng còn nhiều hơn số rác thải dân cư và thương mại của thành phố Philadelphia (Mỹ) mỗi năm. Năm 2018, ngành kinh doanh ship đồ ăn đã thải ra khoảng 2 triệu tấn rác.

Chú thích ảnh
Hộp đựng thức ăn phải được làm sạch trước khi có thể tái chế. Ảnh: NYT

Người dân Trung Quốc vẫn thải ra ít rác nhựa hơn Mỹ trên đầu người. Nhưng giới khoa học lại chỉ ra rằng gần 3/4 rác thải nhựa của đất nước hơn 1,3 tỷ dân này bị đưa thẳng ra bãi chôn lấp hoặc vứt lộ thiên, nơi chúng có thể dễ dàng trôi ra biển. Rác thải trôi vào đại dương từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Dưới môi trường biển, nhựa phải mất đến hàng trăm năm mới phân hủy được. 

Những chuyên gia tái chế đang tìm cách biến một số loại rác thải nhựa của Trung Quốc thành dạng sử dụng được để dùng trong các nhà máy ở nước này. Theo thống kê của chính phủ, nước này tái chế gần 1/4 lượng rác thải nhựa, trong khi đó ở Mỹ là chưa đầy 10%. Tuy nhiên ở Trung Quốc , hộp đựng thực phẩm mua về hoàn toàn không được tái chế. Chúng cần phải được rửa sạch trước tiên. Trọng lượng của chúng rất nhẹ nên những người thu gom phế liệu phải tập hợp được một lượng đủ lớn để bán cho nơi tái chế. 

“Làm nửa ngày chỉ kiếm được vài xu. Chẳng bõ công”, ông Ren Yong, 40 tuổi, thu gom phế liệu tại một tòa văn phòng ở trung tâm Thượng Hải cho biết. Ông thẳng tay vứt vỏ hộp thức ăn đi. 

Chú thích ảnh
Vào giờ cao điểm, nhân viên giao hàng để lại thức ăn cho khách ngay tại sảnh của công ty để tiết kiệm thời gian. Ảnh: NYT

Đối với nhiều người công việc quá bận rộn, hoặc đơn thuần là lười biếng, ở vùng nội đô Trung Quốc, những ứng dụng gọi đồ ăn như Meituan và Ele.me đang dần thay thế việc nấu nướng hoặc đi ăn nhà hàng như một hình thức để nạp dinh dưỡng cho cơ thể. Phí vận chuyển rất rẻ trong khi các ứng dụng không ngừng tung chiêu giảm giá hào phóng. Ai cũng có thể tin rằng việc đặt một tách cà phê để giao hàng là một việc làm hợp lý, lành mạnh.

Yuan Ruqian biết sự thật không như vậy. Nhưng cô ấy cũng không thể chống lại sức hấp dẫn và tiện dụng của chúng. Chẳng hạn như lúc cô gái trẻ này thèm ăn kem nhưng cửa hàng Dippin’ Dots mới khai trương lại cách khá xa. Hay như lúc cô đặt đơn hàng cho bữa trưa, điều này gần như xảy ra đều đặn mỗi ngày. Khi được hỏi về số rác cô thải ra, Yuan, 27 tuổi, làm trong ngành tài chính ở Thượng Hải đáp: “Lười biếng là cội rễ của mọi xấu xa”. 

Sự biến đổi của cuộc sống thường nhật đang diễn ra nhanh chóng. Meituan cho biết trong năm ngoái đã giao được 6,4 tỷ đơn đặt hàng đồ ăn thức uống, tăng gần 60% so với năm 2017. Số đơn hàng này ước tính đạt 42 tỷ USD, có nghĩa trung bình mỗi đơn hàng trị giá 6,5 USD – gần đủ để một người ăn một bữa tươm tất tại thành phố lớn. 

Ele.me – tên gọi có nghĩa là “Bạn đói phải không?” – không tiết lộ số liệu tương tự. Tuy nhiên trong số những ứng dụng giao thức ăn lớn của Trung Quốc, các đơn đặt hàng cộng lại phải lên đến 70 tỷ USD năm 2018, theo hãng phân tích iResearch. 

Để so sánh, theo số liệu của Statista, doanh thu giao thức ăn trực tuyến tại Mỹ dự kiến đạt tổng cộng 19 tỷ USD năm ngay. Hãng Uber cho biết dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats của hãng đạt doanh thu 7,9 tỷ USD trên toàn cầu vào năm ngoái. GrubHub báo cáo doanh thu 5,1 tỷ USD trong dịch vụ mua hộ đồ ăn với 159 triệu đơn đặt hàng. 

Chú thích ảnh
Một khu tập kết rác ở Bắc Kinh. Sau khi nhân viên nhặt nhạnh những chất liệu có thể tái chế, hộp đựng đồ ăn bằng nhựa thường nằm lại. Ảnh: NYT 

Các khoa học gia ước tính rằng sông Dương Tử đã cuốn trôi 367 triệu tấn mẩu, vụn nhựa vào biển năm 2015, nhiều hơn bất kỳ dòng sông nào trên thế giới, và gấp đôi lượng rác do sông Hằng ở Ấn Độ và Bangladesh cuốn đi. Hai con sông gây ô nhiễm thứ ba và thứ tư của Trái đất đều ở Trung Quốc. 

Ứng dụng mua hộ thức ăn mang về có thể gián tiếp khuyến khích các nhà hàng sử dụng nhiều đồ dùng bằng nhựa hơn. Những nhà hàng, quán ăn ở Trung Quốc kinh doanh qua Meituan và Ele.me cho biết họ phụ thuộc nhiều vào bình chọn của khách hàng nên họ thà sử dụng loại hộp đựng nặng hơn hoặc gói thêm một lớp màng nilon bên ngoài, hơn là nhận phản hồi xấu vì thức ăn bị trào, đổ. 

Còn có các chính sách khác có thể đã vô tình khiến những tòa nhà và văn phòng của Trung Quốc ít tái chế được rác thải. Ở Bắc Kinh, nhiều người nhặt rác đã trở thành nạn nhân của một chiến dịch của chính phủ nhằm "cải thiện chất lượng dân số thành phố” - một cụm từ khác của việc trục xuất người lao động chân tay đến từ nông thôn. 

Chú thích ảnh
Một người nhặt rác đang phân loại rác thải lấy từ một tòa văn phòng tại Bắc Kinh. Ảnh: NYT 

Để làm sạch bầu không khí thủ đô, chính phủ cũng dẹp bỏ các “doanh nghiệp gây ô nhiễm nhỏ lẻ” trong khu vực. Các thanh tra vì thế đã đóng cửa hàng trăm cơ sở làm sạch và xử lý rác nhựa quy mô nhỏ. 

Trong nhiều năm, Mao Da, một nhà nghiên cứu môi trường, đã nghiên cứu ngành công nghiệp nhựa ở Wen Wuan. Công nhân ở đó thường phân loại chất thải thực phẩm và chất thải y tế bằng tay. Vật liệu không thể tái chế được chôn xuống hố gần khu đất nông nghiệp. Ông Mao nói: “Đó từng là một thảm họa cho môi trường và sức khỏe cộng đồng”.  

Chen Liwen, người sáng lập Zero-Waste Villages - tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích tái chế ở nông thôn Trung Quốc - cho biết: “Bạn có ít người nhặt rác hơn, ít người vận chuyển nó hơn và ít người xử lý nó hơn. Tỷ lệ tái chế tổng thể chắc chắn đã giảm”.

Tại Chifeng, thành phố nhỏ nằm ở phía Đông Bắc thủ đô Bắc Kinh, ông Zhang Jialin đang cân nhắc về tương lai của mình. Nhiều năm nay, ông cùng vợ mua phế liệu nhựa và nghiền nhỏ chúng thành vụn. Tuy nhiên, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và yêu cầu khu phố xử lý rác nơi ông Zhang sống phải phá bỏ. Ông cùng những người trong nghề cho rằng bởi vì giới chức địa phương coi khu xử lý phế liệu của họ là một thứ chướng mắt. Chính quyền thành phố Chifeng đã không phản hồi về vấn đề này. 

Người đàn ông 45 tuổi nói: “Việc tôi làm là bảo vệ môi trường. Tôi không để đồ đạc bị vứt lung tung khắp nơi. Tôi phá dỡ chúng. Tôi rửa sạch chúng. Vì sao cơ quan chức năng nhắm đến tôi như thể tôi đang phá hoại môi trường? Tôi không hiểu nổi”. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Sốc trước cảnh trung tâm Los Angeles đầy rác và chuột
Sốc trước cảnh trung tâm Los Angeles đầy rác và chuột

Chuột chạy khắp nơi giữa những đống rác bốc mùi hôi thối. Xung quanh là lều trại tạm bợ, nhếch nhác. Cảnh tượng gây sốc này trông giống như khu ổ chuột ở thế giới thứ ba, nhưng đó lại là hình ảnh ở giữa trung tâm thành phố Los Angeles họa lệ của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN