Trả lời phỏng vấn mới đây trong chương trình Squawk Box Asia của kênh CNBC, bà Mari Pangestu, cựu quan chức Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết ước tính, các nước đang phát triển cần từ 1.000 tỷ USD đến 3.000 tỷ USD mỗi năm để chuyển đổi khí hậu. Bà chỉ rõ việc thiếu hụt nguồn lực tài chính khiến những quốc gia này gặp khó khăn trong việc giảm lượng khí thải carbon và chuyển sang sử dụng năng lượng sạch. Thực tế này đã dẫn đến căng thẳng giữa các quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển, vốn đang ghi nhận nhiều tiến bộ hơn trong việc thực thi các mục tiêu khí hậu.
Theo bà Pangestu, người từng giữ chức cựu Bộ trưởng Thương mại và du lịch của Indonesia, tranh cãi này sẽ tiếp diễn cho đến khi các nước phát triển có thể thấy rõ đây là hai vấn đề cần giải quyết, đó là phát triển và khí hậu, chứ không chỉ riêng mỗi khí hậu. Bà Pangestu cho rằng các quốc gia phát triển cần phải tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, nếu muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và đẩy nhanh tiến độ đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, bà Pangestu chỉ ra rằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mang tính khẩn cấp và trên quy mô lớn. Bà nhấn mạnh từ khóa ở đây là sự chuyển đổi, tức là cách thức chuyển đổi từ mức phát thải cao sang năng lượng sạch và điều này đòi hỏi nỗ lực lớn hơn từ tất cả bên liên quan. Theo nhận định của cựu quan chức WB, một phần nỗ lực sẽ phải đến từ nguồn lực của chính các quốc gia đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các ngân hàng phát triển đa phương và các nguồn khác.