Căng thẳng không ngừng leo thang
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Tờ Straits Times (Singapore) ngày 8/4 đánh giá, thật khó để không coi đây là cuộc so găng ý chí giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tại Vườn Hồng, Nhà Trắng chiều 2/4 (giờ địa phương), Tổng thống Trump công bố biểu thuế cơ sở và thuế đối ứng mới với hàng loạt quốc gia. Ông Trump thông báo áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bên cạnh đó là mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, biểu thuế 10% với mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4, trong khi các mức thuế cao hơn dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4.
Về phần mình, ngày 4/4, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/4. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đây là bước đi nhằm đáp lại mức thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Trump thông báo vào chiều 2/4. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện Mỹ về mức thuế đối ứng.
Không đợi chờ lâu, đến ngày 7/4, Tổng thống Trump cảnh báo chính quyền của ông sẽ áp thuế bổ sung 50% lên hàng hóa từ Trung Quốc nếu nước này không rút lại mức thuế trả đũa 34% đối với Mỹ. Tổng thống Trump tuyên bố trên mạng xã hội rằng thời hạn để Trung Quốc rút lại thuế là ngày 8/4. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, nếu Trung Quốc không rút thuế trả đũa, mức thuế bổ sung của Mỹ với Trung Quốc đẩy tổng thuế suất lên trên 100% và có hiệu lực ngay ngày hôm sau.
Trước đe dọa mới nhất từ Tổng thống Trump, Trung Quốc một lần nữa tuyên bố sẽ giữ vững lập trường. Bộ Thương mại Trung Quốc quả quyết: “Đe dọa của Mỹ tăng thuế quan đối với Trung Quốc là sai lầm chồng chất sai lầm”. Bộ này kết luận: “Nếu Mỹ quyết khăng khăng theo cách của mình, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng”.
Theo CNN (Mỹ), vào cuối tuần qua, Bắc Kinh đã gửi thông điệp rõ ràng đến người dân nước này và các quốc gia khác là Trung Quốc đã chuẩn bị tốt để vượt qua cuộc chiến thương mại và trở nên mạnh mẽ hơn. Một bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 6/4 khẳng định: “Thuế quan của Mỹ dự kiến có tác động đến Trung Quốc, nhưng bầu trời sẽ không sụp đổ”.
Bên nào sẽ chịu nhượng bộ trước?
Quang cảnh cảng hàng hóa ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Giáo sư Dennis Wilder tại Đại học Georgetown (Mỹ) nhận định với Straits Times rằng một cuộc chiến thương mại đúng nghĩa đang ở ngay trước mắt và cả Tổng thống Trump cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình đều không lùi bước.
Ông Dennis Wilder phân tích: “Cả hai nhà lãnh đạo đều coi việc bị đối phương thách thức công khai là đòn giáng vào uy tín cá nhân. Không ai muốn bị xem là đang lùi bước. Tổng thống Trump yêu cầu Chủ tịch Tập phải trực tiếp đàm phán với mình... Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình lại khá thận trọng”.
Bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á có trụ sở tại Mỹ lập luận rằng ý định leo thang của Tổng thống Trump là rõ ràng. Bà nhận định: "Điều này phản ánh chiến thuật của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi thuế quan của Mỹ và Trung Quốc tăng vọt trong cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng. Mặc dù thỏa thuận ‘Giai đoạn một’ đóng vai trò quan trọng trong việc đóng băng và trong một số trường hợp là giảm thuế quan của Mỹ, nhưng triển vọng về một giải pháp đàm phán trong chính quyền Trump 2.0 có vẻ phức tạp hơn nhiều theo thời gian”.
Quốc kỳ Mỹ (trái) và quốc kỳ Trung Quốc. Ảnh: IRNA/TTXVN
Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021), Tổng thống Trump đã áp thuế quan tăng từ mức 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 7/2018 lên số hàng hóa trị giá hơn 550 tỷ USD vào năm 2019, với mức thuế chủ yếu là 25%.
Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế với 185 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, nhắm vào các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành và thịt lợn, cũng như các sản phẩm công nghiệp như ô tô và hóa chất. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn hạn chế xuất khẩu đất hiếm quan trọng với các ngành công nghiệp như quốc phòng và năng lượng sạch.
Hai bên đạt được thỏa thuận "Giai đoạn một" vào tháng 1/2020, trong đó Bắc Kinh cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ và cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động mua sắm của Trung Quốc cuối cùng đã không đạt mục tiêu. Hệ quả là người dân ở cả 2 quốc gia đều chịu ảnh hưởng. Người tiêu dùng Mỹ phải đối mặt với chi phí cao hơn trong khi nông dân cần 28 tỷ USD tiền cứu trợ.
Trung Quốc đã giảm thiểu tác động bằng cách kích thích kinh tế trong nước và điều hướng lại hoạt động thương mại. Chuỗi cung ứng toàn cầu sau đó phải đối mặt với gián đoạn, trong khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở mức cao và kéo dài sang chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden.
Ông William Reinsch tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết hiện tại vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Trump có thực hiện lời đe dọa của mình hay không.
Ông Reinsch nói: “Tôi dự đoán động thái tiếp theo tùy thuộc vào Tổng thống Trump, về việc áp đặt thêm thuế quan hay không. Nếu ông ấy làm vậy, chúng ta sẽ phải theo dõi xem Trung Quốc phản ứng như thế nào”.