Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu trong lễ khai mạc hội nghị thường niên lần thứ 5 của AIIB tại Bắc Kinh ngày 28/7. Hội nghị kéo dài 2 ngày này được tổ chức trực tuyến do dịch COVID-19.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin ông Tập Cận Bình đã đề nghị tăng cường các nỗ lực để AIIB trở thành “ngân hàng phát triển đa phương kiểu mới”, “một nền tảng phát triển mới” và “một mô hình mới về hợp tác đa phương”.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn hỗ trợ và thực nghiệm chủ nghĩa đa biên, cam kết phát triển các nỗ lực chung với những quốc gia khác theo tinh thần cởi mở, hợp tác, đôi bên cùng có lợi”.
Phát biểu của ông Tập Cận Bình được đưa ra ở thời điểm Trung Quốc và Mỹ rơi vào đối đầu về nhiều vấn đề, từ dịch COVID-19 đến vấn đề Hong Kong, chiến tranh thương mại…
AIIB có trụ sở tại Bắc Kinh được coi là "đối thủ" của Ngân hàng Thế giới (WB) với Mỹ ủng hộ và Ngân hàng Phát triển châu Á do Nhật Bản là đầu tàu. Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ cùng với đồng minh châu Á Nhật Bản đều khẳng định không gia nhập AIIB.
AIIB có 57 thành viên sáng lập với Trung Quốc là cổ đông lớn nhất. AIIB có vốn điều lệ 100 tỷ USD với Trung Quốc kiểm soát 26,06% cổ phiếu có quyền biểu quyết. Ngân hàng này đã đi vào hoạt động từ ngày 16/1/2016 – giai đoạn cao điểm Bắc Kinh quảng bá về sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Đến nay AIIB đã mở rộng bao gồm 102 thành viên và đã thông qua 19,6 tỷ USD cho 87 dự án cơ sở hạ tầng tại 24 quốc gia. AIIB còn thành lập dự án trợ cấp COVID-19 và đã thông qua 5,9 tỷ USD dành cho quỹ khủng hoảng khẩn cấp của 12 thành viên. Trong đó, AIIB cam kết cung cấp 1,25 tỷ USD cho Ấn Độ, hai khoản vay 500 triệu USD cho ngân hàng phát triển Thổ Nhĩ Kỳ và 1 tỷ USD dành cho Indonesia xử lý dịch COVID-19.
AIIB nhiều lần phủ nhận cáo buộc là công cụ cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. AIIB tự nhận là thành viên mới của hệ thống phát triển ngân hàng đa phương và đã thực hiện các dự án phối hợp với Ngân hàng Thế giới cùng Ngân hàng Phát triển châu Á.