Ấn Độ trở thành quốc gia vay vốn nhiều nhất của AIIB

Ấn Độ hiện là quốc gia vay vốn nhiều nhất của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với số tiền lên tới 4,4 tỷ USD dành cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong 3 năm qua.

Ô tô di chuyển trên đường phố Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là thông báo của Bộ Kinh tế Ấn Độ tại Hội nghị thường niên lần thứ 3 của AIIB khai mạc ngày 25/6 tại thành phố Mumbai của Ấn Độ.

Với chủ đề "Đổi mới và Hợp tác", trọng tâm của hội nghị kéo dài 2 ngày bàn về vấn đề đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, theo đó các bên tham gia sẽ thảo luận về các chiến lược huy động vốn cho việc xây dựng cơ hạ tầng trong khu vực. Theo Phó Chủ tịch kiêm Thư ký phụ trách về các công ty của AIIB Danny Alexander, AIIB là một tổ chức phi chính trị và ngân hàng này sẽ kiểm tra tính bền vững cũng như các chuẩn mực về bảo vệ môi trường của tất cả các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi được cấp vốn. Ông Alexander cho biết thêm phương châm làm việc của AIIB là hiệu quả, sạch và xanh, theo đó AIIB sẽ đầu tư vào những dự án bền vững và sẽ hoạt động dựa trên những tiêu chí này.

Hồi đầu năm 2018, AIIB đã thông qua khoản vay 1,5 tỷ USD cho Ấn Độ để nước này thực hiện các dự án liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng trong năm nay. Khoản vay trên sẽ được dùng để đầu tư vào ngành năng lượng của Ấn Độ, đường sá và các dự án phát triển đô thị, ngoài ra AIIB sẽ xem xét phân bổ thêm vốn cho các dự án như vậy trong năm tới.

AIIB chính thức thành lập ngày 25/12/2015 theo sáng kiến của Trung Quốc và đặt trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh. AIIB là thể chế tài chính đa phương mới, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực châu Á. Ngân hàng này hiện có số vốn cơ bản là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. AIIB đang áp dụng cách tiếp cận không ràng buộc nhằm tài trợ phát triển ở nước ngoài, không giống như các ngân hàng phương Tây luôn cho vay đi kèm với các điều kiện xã hội và môi trường.

TTXVN/Báo Tin tức
Ấn Độ áp thuế trả đũa Mỹ
Ấn Độ áp thuế trả đũa Mỹ

Ấn Độ, nước nhập khẩu nhiều hạnh nhân từ Mỹ, đã nâng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này thêm 20%, hòa theo làn sóng trả đũa thuế nhôm và thép nhập khẩu mới của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN