Phát biểu khai mạc hội nghị COP26 tại thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh), ông Sharma nhấn mạnh hội nghị này sẽ là "cơ may cuối cùng và tốt nhất" để khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo ông Sharma, các tác động của biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ trên khắp thế giới, dưới nhiều hình thức như lũ lụt, bão, cháy rừng và các mức nhiệt độ kỷ lục. Ông nhấn mạnh: "Hành tinh của chúng ta đang thay đổi theo hướng xấu đi", theo đó, ông nêu rõ: "Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ và hành động cùng nhau, chúng ta có thể bảo vệ hành tinh quý giá của mình".
Các chuyên gia cảnh báo chỉ có hành động một cách mạnh mẽ trong 10 năm tới mới giúp giảm các tác động ngày càng thảm khốc của biến đổi khí hậu. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã ấn định giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu "dưới ngưỡng" 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tốt nhất là 1,5 độ C. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề phải giải quyết sau thỏa thuận này, trong khi nỗ lực giảm khí thải thời gian qua chưa đủ để ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng. Tuần trước, LHQ công bố một báo cáo cho thấy ngay cả với các cam kết cắt giảm CO2 tham vọng nhất gần đây, nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng thêm 2,7 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đây là "thảm họa".
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, bà Patricia Espinosa kêu gọi các quốc gia từ bỏ cách thức kinh doanh thông thường, nếu không sẽ phải chấp nhận rằng "chúng ta đang đầu tư cho sự hủy diệt chính mình".