Truyền thông Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị COP26

Ngày 29/10, báo Donga ilbo đăng bài viết về chương trình nghị sự của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và đưa ra đánh giá liên quan vấn đề biến đổi khí hậu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, bài báo đã nhấn mạnh phát biểu của Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in rằng “COP26 sẽ đi vào lịch sử như một hội nghị quan trọng”. Phát biểu được đưa ra khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang trên đường đến châu Âu để dự hội nghị này.

Theo bài viết, Hội nghị COP26 được tổ chức ngày 31/10 tại Glasgow (Anh) với mục tiêu hình thành một "Thể chế khí hậu mới" giúp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu do con người gây ra. COP26 sẽ diễn ra trong 13 ngày và được coi là hội nghị về khí hậu quan trọng nhất kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết vào năm 2015. Hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận các nội dung chính gồm: Giải pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21; Đảm bảo duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5 độ C trong giai đoạn công nghiệp hóa; Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; Đảm bảo quỹ tài chính về biến đổi khí hậu; Lên kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu cũng như thảo luận những khả năng hợp tác về đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài viết nêu rõ ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi các chi phí lớn cho chuyển đổi sản xuất, phát triển, triển khai công nghệ mới và chuyển đổi cơ cấu xã hội. Các nước phát triển đã phát thải lượng lớn khí gây hiệu ứng nhà kính trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa vừa qua, song ở cấp độ phát triển công nghiệp dịch vụ hiện nay, tác động đối với biến đổi khí hậu lại không lớn.

Trong khi đó, các nước đang phát triển đang trong quá trình công nghiệp hóa cần phải đẩy mạnh sản xuất nhưng chi phí cho biến đổi khí hậu lại gây trở ngại cho quá trình tăng trưởng công nghiệp. Các nước phát triển phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với biến đổi khí hậu, nhưng hậu quả của biến đổi khí hậu thì toàn thế giới phải gánh chịu và các nước đang phát triển lại thiếu năng lực để thích ứng. Chính vì điều đó, Quỹ toàn cầu về biến đổi khí hậu được lập ra. Theo Công ước khung của LHQ về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) năm 2009, các nước phát triển đã nhất trí huy động 100 tỷ USD hàng năm vào năm 2020. Trong hội nghị lần này, các bên sẽ cùng thảo luận để xem xét lại cơ chế và các kế hoạch mới giai đoạn đến năm 2025.

Cũng theo bài viết, số liệu thống kê được đăng tải mới đây trên tạp chí Science cho biết nếu duy trì các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu hiện tại, thế hệ sinh năm 2020 sẽ hứng chịu hạn hán trung bình cao gấp 2,6 lần, lũ lụt gấp 2,8 lần, mất mùa 3 lần và cháy rừng gấp đôi so với thế hệ sinh năm 1960. 53 triệu trẻ em sinh ra ở châu Âu và Trung Á kể từ năm 2016 sẽ phải trải qua những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gấp 4 lần, trong khi 172 triệu trẻ em cùng độ tuổi ở khu vực cận Sahara của châu Phi sẽ gánh chịu mức độ biến đổi khí hậu gấp 6 lần.

Giới khoa học vốn không ngừng cảnh báo về nguy cơ của biến đổi khí hậu đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến hội nghị COP26 lần này. Để cổ vũ cho nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, giải Nobel Vật lý năm 2021 đã được trao cho các nhà khoa học có đóng góp trong việc nghiên cứu biến đổi khí hậu.

Bài báo kết luận: “Để đạt được mục tiêu: giảm thiểu và trung hòa khí thải carbon, chính phủ cần phải thay đổi cơ bản cách thức điều hành mọi mặt kinh tế - xã hội và sinh hoạt cuộc sống. Cũng giống như nhiều chính phủ thời gian qua đã ứng phó với dại dịch COVID-19 bằng nguồn lực tài chính chưa từng có, cuộc khủng hoảng môi trường cũng đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó khẩn cấp. Tiến trình này sẽ ngốn rất nhiều chi phí ở hiện tại, nhưng sẽ mang lại những lợi ích lâu dài, bền vững như việc làm, giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện điều kiện sống và đặc biệt là sức khỏe của người dân.

Khánh Vân (TTXVN)
COP26: Việt Nam với những giải pháp đảm bảo tăng trưởng xanh
COP26: Việt Nam với những giải pháp đảm bảo tăng trưởng xanh

Biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm môi trường được coi là một trong những thách thức lớn nhất đối với thế giới vào thời điểm hiện tại. Nhiều chính phủ các nước, bao gồm cả Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ cho phát triển năng lượng xanh, giảm phát thải trong thời gian gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN