Trong một bài phát biểu trước giới luật sư vào chiều 12/9, ông Bercow cho rằng khi mọi việc diễn tiến tới giai đoạn phải trì hoãn Brexit thì Quốc hội chắc chắn sẽ buộc chính phủ phải tuân theo luật mới ban hành. Ông Bercow khẳng định nếu tình hình yêu cầu một sự linh hoạt trong quy trình thực hiện thì chắc chắn Hạ viện sẽ đáp ứng sự linh hoạt đó và không một giới hạn luật định hay áp lực thời gian nào có thể cản trở việc thực thi luật mới.
Chủ tịch Hạ viện Anh khẳng định Brexit chỉ có thể diễn ra theo cách thức được các nghị sĩ chấp thuận. Ông Bercow còn ví việc từ chối trì hoãn Brexit vì cái cớ để đưa Anh rời EU sớm nhất có thể chẳng khác nào "một tên cướp ngân hàng phạm tội nhưng bào chữa là sẽ mang tiền đi phân phát cho mục đích từ thiện ngay sau đó".
Những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Johnson kêu gọi thực hiện Brexit vào ngày 31/10 tới dù có hay không có thỏa thuận. Sau khi Nữ hoàng Anh Elizabet II hôm 9/9 ký ban hành luật buộc Chính phủ Anh phải xin gia hạn Brexit thêm 3 tháng nếu hai bên không đạt thỏa thuận trước ngày 19/10, ông Johnson vẫn khẳng định sẽ không xin gia hạn Brexit.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng CH Ireland Leo Varadkar, ngày 13/9 cho biết khoảng cách giữa Anh và EU trong các cuộc đàm phán Brexit "rất rộng" và các đề xuất của Anh liên quan tới đường biên giới trên đảo Ireland cho tới nay đều chưa đáp ứng được nhưng yêu cầu cần thiết.
Phát biểu với đài phát thanh RTE, ông Varadkar thừa nhận khoảng cách giữa Anh và EU còn rất rộng, đồng thời khẳng định EU sẽ nỗ lực tới những giây phút cuối cùng để tránh kịch bản không thỏa thuận nhưng không phải là bằng mọi giá. Về điều khoản "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới mở trên đảo Ireland, ông Varadkar cho biết dù EU luôn sẵn sàng cân nhắc những phương án thay thế cho điều khoản này nhưng cho tới nay chưa có đề xuất nào từ phía Anh thực sự đạt tới những yêu cầu cần thiết.
Trong khi đó, đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) tại vùng Bắc Ireland khẳng định vùng này sẽ không chấp nhận việc bị buộc phải tuân thủ mọi quy định của EU thời hậu Brexit. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện các thông tin rằng các quan chức EU và CH Ireland đề xuất áp dụng "điều khoản chốt chặn" với riêng vùng Bắc Ireland như một cách để thay thế điều khoản hiện tại, nhằm tháo gỡ bế tắc và giúp tìm được một thỏa thuận Brexit.
DUP nhấn mạnh không chấp nhận đề xuất này hay bất kỳ một điều khoản "chốt chặn" được gọi với một cái tên nào khác. DUP phản đối mọi dàn xếp khiến vùng Bắc Ireland bị tách ra khỏi phần còn lại của nước Anh. DUP cho rằng thời hậu Brexit, vùng Bắc Ireland sẽ chỉ chấp nhận luật pháp EU nếu cơ quan lập pháp vùng này được lựa chọn những luật mà họ sẽ tuân thủ. Đây là điều kiện mà trước đó cả EU và CH Ireland đều đã bác bỏ.