Hãng Reuters dẫn thông tin từ Bệnh viện Banner Health ở Phoenix cho biết đôi vợ chồng khoảng 60 tuổi trên ngay lập tức xuất hiện cảm giác nóng rát, chóng mặt sau khi nuốt viên chloroquine phosphate.
Loại chất độc hại họ uống không phải dạng dược phẩm của thuốc chloroquine phosphate điều trị bệnh sốt rét, mà thực chất dùng để diệt kí sinh trùng trong bể cá.
Trước đó, phát biểu trên sóng truyền hình Tổng thống Donald Trump tuyên bố các loại thuốc sốt rét có tiềm năng điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trên mạng xã hội Twitter ngày 21/3, ông Trump cho rằng hợp chất hydroxychloroquine và azithromycin “có cơ hội thực sự để trở thành một trong những dược phẩm có khả năng thay đổi tình thế lớn nhất trong lịch sử y học”.
Người vợ trong vụ ngộ độc chất hóa học trên cho biết bà đã xem bản tin và thử làm theo vì lo sợ sẽ mắc bệnh. 20 phút sau khi uống, hai người xuất hiện triệu chứng nôn mửa, chóng mặt. Chồng của bà bị suy hô hấp và sau đó tử vong tại bệnh viện.
Chuyên gia bệnh lây nhiễm hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, không đánh giá cao tuyên bố của Tổng thống Donald Trump mà cho rằng liệu pháp này cần được thử nghiệm để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. "Không nên uống chloroquine - một loại thuốc trị sốt rét để điều trị hoặc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2", đại diện Bệnh viện Banner Health thông báo ngày 23/3.
Chủng virus mới corona (SARS-CoV-2) bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, sau đó đã lan rộng khắp thế giới. Hiện chưa có vaccine phòng ngừa hay biện pháp điều trị chính thức nào đối với COVID-19. Đa số bệnh nhân chỉ được chăm sóc hỗ trợ.
“Dựa trên những điều còn chưa sáng tỏ về COVID-19, chúng tôi hiểu rõ mọi người đang cố gắng tìm cách để phòng chống hoặc điều trị viruss. Tuy nhiên, việc tự ý dùng thuốc không phải là biện pháp đúng đắn”, Tiến sĩ Daniel Brooks, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thuốc và Ngộ độc tại Bệnh viện Banner Health cho biết.
Ông Brooks kêu gọi cộng đồng y tế không kê đơn thuốc chloroquine cho bất kỳ bệnh nhân ngoại trú nào. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn các khoa cấp cứu xuất hiện ngập tràn bệnh nhân, những người tin vào một giải pháp mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học và đầy rủi ro nào đó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ”.
Theo số liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ tới ngày 24/3 đã lên đến 593 người, số ca nhiễm virus là 46.450 người. Với số ca lớn như vậy, Mỹ chính thức trở thành “điểm nóng” dịch bệnh lớn thứ ba thế giới, xếp sau Trung Quốc và Italy.
Bất chấp tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng và rất nguy cấp, Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua được dự luật cứu trợ khẩn cấp do lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đề xuất.
Theo đó, dự luật nếu được thông qua và ban hành thành luật sẽ mở đường cho việc Chính phủ Mỹ bơm hơn 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế theo chương trình hỗ trợ các công ty chịu thiệt hại bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, dự luật trên chưa được thông qua sau khi không đạt được số phiếu ủng hộ cần thiết là 60 phiếu trong tổng số 100 phiếu tại Thượng viện.