Sức khỏe tâm lý trong thời kỳ COVID-19 lây lan ở Mỹ

Trong vài ngày, cảm giác bất an và hoang mang như đám mây đen đeo bám người phụ nữ 62 tuổi sống tại Nebraska (Mỹ) Ann Ostberg.

Chú thích ảnh
Người dân New York đeo khẩu trang khi di chuyển tại nơi công cộng. Ảnh: Getty Images

Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lan khắp nước Mỹ khiến nhiều tiểu bang đề nghị người dân cách ly xã hội và nên ở trong nhà.

Ann Ostberg lo ngại rằng bà không thể hỗ trợ con gái về mặt tinh thần bởi con rể bà đang tê liệt bởi hội chứng Guillain-Barre (viêm đa dây thần kinh cấp tính).

Trong khi đó, chuyên gia pha chế đồ uống Mike Wisler (50 tuổi) sống tại Chicago đã được kê thuốc an thần bởi dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tới tài chính và tâm lý của ông. Wisler chia sẻ: “Tinh thần của tôi không ổn định. Bất kể khi nào thức dậy, luôn là băn khoăn tôi sẽ sống qua tháng này như thế nào?’.

Chính phủ Mỹ đã yêu cầu hạn chế tụ tập đông người do vậy quán bar nơi ông Wisler làm việc không còn khách hàng.

Niko (23 tuổi) người North Carolina đang phải đối mặt với chứng co giật cơ nhưng vẫn cố gắng thể hiện bình tĩnh trước mặt khách hàng ở cửa hiệu tạp hóa nơi cậu làm việc. Niko chia sẻ: “Tôi chỉ thể hiện 20% trên gương mặt mình những gì khiến tôi bứt rứt”.

Các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần gần đây đã để ý tới dấu hiệu lo âu của bệnh nhân bất an về hậu quả mà dịch COVID-19 có thể gây ra.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đã khảo sát 6 cơ sở y tế Mỹ và nhận được kết quả virus SARS-CoV-2 là thứ được đề cập nhiều nhất trong các buổi trị liệu tâm lý.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần phân tích rằng căng thẳng hình thành từ lo sợ dịch bệnh kết hợp với việc cách ly do chính phủ đóng cửa trường học, nhà hàng và đề nghị người dân giảm tiếp xúc xã hội.

Những hoạt động giảm căng thẳng như theo dõi thi đấu thể thao, xem phim, tập gym… trở thành điều bất khả thi ở thời điểm dịch COVID-19 lan rộng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tại địa điểm xét nghiệm COVID-19 ở Florida. Ảnh: The Palm Beach Post

Nhà tâm lý học Sharon Greenfield tại Massachusetts cho biết: “Khi nhìn thấy một con gấu, chúng ta sẽ chiến đấu với nó, nhưng đây là một con gấu chúng ta không thể nhìn thấy hoặc cảm giác. Bộ não không thể xác định nổi chúng ta đang đối mặt với rối loạn tâm lý hay không”.

Reuters phỏng vấn một số bác sĩ tâm thần và nhận được phản hồi rằng nhu cầu thuốc chống rối loạn lo âu đang ngày càng tăng. Hiện tại, việc cách ly xã hội gây khó khăn không nhỏ tới khám chữa bệnh tâm thần.

Bà Lynn Bufka tại Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) cho biết kể từ dịch COVID-19 bùng phát, mọi người gặp khó khăn với cách được điều trị từ xa.

Phương pháp điều trị từ xa lại không nằm trong chi trả của bảo hiểm. Tuy nhiên, trong tháng này hạn chế được nới lỏng và điều trị từ xa được nằm trong chương trình bảo hiểm quốc gia Medicare của Mỹ.

Nhà tâm lý học Sharon Greenfield cho biết ảnh hưởng từ virus SARS-CoV-2 đối với sức khỏe tinh thần cần được chú ý và có phản ứng phối hợp. Theo đó, các nhà lãnh đạo cần xử lý tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tinh thần tương tự như vấn đề thể chất.

Sức khỏe tinh thần đối với nhân viên y tế cũng là điều quan trọng khi họ đang phải gồng mình chiến đấu với COVID-19 cùng khối lượng công việc lớn.

Để xử lý căng thẳng, các bác sĩ đề nghị đọc tin tức 1-2 lần trong ngày, xem những bộ phim vui vẻ, trò chuyện trực tuyến với gia đình và ra ngoài nhưng tuân thủ quy định để tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hà Linh/Báo Tin tức
Mất việc vì cố tình giấu triệu chứng COVID-19 để được lên máy bay 
Mất việc vì cố tình giấu triệu chứng COVID-19 để được lên máy bay 

Một công ty công nghệ sinh học ở Mỹ đã sa thải nữ nhân viên đang bị cảnh sát Bắc Kinh điều tra hành vi che giấu triệu chứng bệnh COVID-19 trên chuyến bay đến Trung Quốc. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN