Chọn đề tài, yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của bài báo

Ngày 31/5/2024, báo chí tại Pháp đồng loạt đưa tin về việc nữ y tá duy nhất từng có mặt ở Điện Biên Phủ trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 99. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1945, Geneviève de Galard là nữ y tá vận tải hàng không của quân đội viễn chinh Pháp. Với công chúng Pháp bà không phải là người xa lạ. Nhưng ở Việt Nam, hầu như ít người biết về bà.

Chú thích ảnh
Trang đầu tạp chí Paris Match đăng hình ảnh nữ y tá hàng không Geneviève de Galard được trả tự do, trở về từ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhân dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với mong muốn tìm kiếm những nhân chứng hiếm hoi còn lại của chiến dịch, tình cờ đọc được thông tin về bà Geneviève de Galard, chúng tôi đã quyết định viết về người phụ nữ này để công chúngViệt Nam hiểu rõ hơn về một góc khác của lịch sử.

Thông qua sự giới thiệu của đồng nghiệp, bạn bè, chúng tôi đã liên hệ và may mắn được người thân của gia đình bà tạo điều kiện.

Ngay khi nhận được thông tin có thể tiếp cận với bà, chúng tôi đã vượt 700 km đến thăm bà ở Montpellier.

Tháng 3/2024, với sự giúp đỡ nhiệt tình của con trai bà Geneviève de Galard, chúng tôi đã được tiếp cận cựu nữ y tá. Ở tuổi 99, bà Geneviève de Galard không còn được minh mẫn.

Rất may, thông qua những câu chuyện kể của chồng, con trai và con dâu của bà, chúng tôi đã có đủ thông tin cần thiết để viết về một người từng được công chúng Pháp biết đến, nhưng lại chưa từng được nhắc tới ở Việt Nam. Rồi bài viết về “Nữ y tá Pháp duy nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ” đã lên các trang báo của TTXVN đúng dịp đất nước kỷ niệm 70 năm sự kiện này. Khi hay tin bà qua đời, chúng tôi đã cảm thấy thật may mắn khi là những nhà báo cuối cùng có cơ hội được gặp bà, thực hiện những phóng sự cuối cùng về bà.

Chú thích ảnh
Hai tờ báo L’Humanité số ra ngày 8/5/1954 và France-Soir số ra ngày 9-10/5/1954 đăng tin Pháp thất trận trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Câu chuyện về những tờ báo đầu tiên của Pháp đăng tin thất trận Điện Biên Phủ cũng đến với chúng tôi từ một sự tình cờ. Chỉ một ngày sau chiến thắng 7/5/1954, ở cách xa tới 10.000 km, các tờ báo Pháp đồng loạt đăng tin quân đội viễn chinh Pháp thất thủ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Từ đó đến nay đã 70 năm, ít ai còn giữ những trang báo đăng tải thất bại ê chề này của quân đội Pháp, nếu không phải là các trung tâm tư liệu. Nhưng với đam mê sưu tập các loại sách báo, tem thư và bưu thiếp, cùng tình cảm đặc biệt với Việt Nam, ông Jean-Marie Jacquemin đã giữ được một số tờ báo mang ý nghĩa lịch sử này cho đến ngày nay. Trong một buổi gặp gỡ, chúng tôi đã tình cờ được ông cho xem kho tàng quý báu này.

Nhận thấy đây cũng là một đề tài độc đáo có thể giới thiệu tới công chúng Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã biến cuộc nói chuyện “phiếm” thành buổi phỏng vấn. Không những thế, chúng tôi còn thuyết phục được ông Jean-Marie Jacquemin trao tặng những tờ báo quý hiếm đó cho Việt Nam. Giờ đây, khi đến với Bảo tàng Báo chí Việt Nam, công chúng có dịp ngắm nhìn và đọc những dòng tít lớn trên trang nhất của tờ L’Humanité số ra ngày 8/5, hay của tờ LeSoir ngày 9/5 về sự kiện chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu.

Chú thích ảnh
Ông Jean-Marie Jacquemin với tờ báo L’Humanité số ra ngày 8/5/1954.

Những câu chuyện trên cho thấy, bên cạnh kỹ năng viết, việc tìm kiếm được đề tài hay, độc đáo, mới lạ đóng vai trò quan trọng đối với sức hấp dẫn của một bài báo. Trong bối cảnh vận động không ngừng và nhanh chóng của thế giới quanh ta, để có một đề tài viết báo không hề khó. Nhưng cái khó là trong “bó đũa phải chọn cột cờ”, trong hàng trăm, hàng nghìn đề tài, cần phải biết làm thế nào để lựa chọn được những đề tài độc đáo thu hút độc giả.

Nếu như những vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền” luôn là đề tài mà công chúng quan tâm hàng ngày, thì những bài báo mang tính phát hiện, đặc sắc, mới mẻ lại là nhân tố giúp tăng lượng độc giả với tờ báo của mình.

Với những chủ đề “xưa như trái đất”, nhà báo cũng cần tìm tòi, khai thác được những góc nhìn mới lạ, với lăng kính riêng, để không chỉ làm mới chủ đề, mà còn tạo ra sức hút của bài báo. Chính những chuyến đi và trải nghiệm, cùng với nỗ lực quan sát thế giới xung quanh và sự đam mê tìm tòi những điều mới lạ, người viết báo sẽ phát hiện ra vô vàn đề tài mới mẻ để sáng tạo nên tác phẩm báo chí, đủ để hấp dẫn công chúng.

Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Nữ y tá Pháp duy nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Nữ y tá Pháp duy nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1945, bà Geneviève de Galard là nữ y tá vận tải hàng không duy nhất của Quân đội viễn chinh Pháp có mặt tại trận chiến 56 ngày đêm lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN