Trước đó, phát biểu tại Thượng viện, Thủ tướng Draghi đã kêu gọi các lực lượng chính trị, các đảng phái tin tưởng lẫn nhau, dựa trên tình đoàn kết dân tộc. Ông Draghi nhấn mạnh: “Các lực lượng chính trị, vốn tồn tại khoảng cách về ý thức hệ, nếu không mâu thuẫn cần phối hợp trong công cuộc tái thiết đất nước. Đây là sứ mệnh của người dân Italy… Đoàn kết không phải là sự lựa chọn mà là trách nhiệm”.
Trong chương trình hành động của chính phủ, Thủ tướng Mario Draghi khẳng định ưu tiên hàng đầu của chính phủ đó là khống chế đại dịch COVID-19. “Nhiệm vụ của chúng ta là chống lại đại dịch bằng mọi cách và bảo vệ cuộc sống của người dân: chúng ta cùng chiến đấu chung một chiến hào và virus là kẻ thù của tất cả”, Thủ tướng Draghi nêu rõ. Trước những hệ lụy mà đại dịch gây ra, khủng hoảng sức khỏe kéo theo khủng hoảng kinh tế, Thủ tướng Draghi cam kết sẽ nỗ lực để người dân trở lại cuộc sống bình thường một cách sớm nhất có thể.
Về chính sách đối ngoại, Thủ tướng Draghi đã tái khẳng định vai trò của Italy trong Liên minh châu Âu (EU), cũng như Liên minh Đại Tây Dương. Ông Draghi nêu rõ: “Chính phủ hiện nay ra đời trong bối cảnh Italy thuộc về EU, với tư cách là quốc gia sáng lập, và là nhân tố quan trọng trong Liên minh Đại Tây Dương... Việc ủng hộ chính phủ hiện nay đồng nghĩa với việc ủng hộ một Liên minh châu Âu ngày càng hội nhập, hướng đến một ngân sách công chung có khả năng hỗ trợ các quốc gia trong giai đoạn suy thoái”.
Trong quan hệ với Mỹ, ông Draghi cho rằng chính quyền mới Washington hứa hẹn nhiều thay đổi, hướng tới thúc đẩy hợp tác với châu Âu cũng như các đồng minh truyền thống, theo đó, Italy tin tưởng rằng quan hệ Italy – Mỹ sẽ ngày càng phát triển. Ngoài ra, Thủ tướng Draghi cũng khẳng định Italy sẽ thúc đẩy các cơ chế đối thoại với Nga.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Mario Draghi và nội các mới sẽ tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm tại Hạ viện trong ngày 18/2.