Gwanghwamun - Địa danh mang tính biểu tượng nhất của Seoul

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, kết quả một cuộc khảo sát được công bố ngày 9/4 cho biết cư dân nước ngoài đã bình chọn Gwanghwamun - quảng trường công cộng đóng vai trò là cửa ngõ chính vào Cung điện Gyeongbok, trung tâm của đời sống văn hóa và chính trị tại thủ đô Seoul - là địa danh mang tính biểu tượng nhất của thành phố.

Chú thích ảnh
Thảm cỏ xanh ở Quảng trường Gwanghwamun cũng được thiết kế rộng hơn để phục vụ nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi của khách thăm quan. Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN

Trong Khảo sát Seoul năm 2024, có 48,4% trong số 2.500 cư dân nước ngoài đã chọn Gwanghwamun là địa danh mang tính biểu tượng nhất của thành phố. Tiếp theo là các cung điện truyền thống (36,8%), sông Hàn (23,8%), Dongdaemun Design Plaza (23,5%) và Seoul Plaza (20,6%). Khi được yêu cầu chọn màu sắc tượng trưng nhất của Seoul bằng một câu hỏi trắc nghiệm, 50,9% chọn màu xanh lam thay vì màu hồng (39%) và màu trắng (36,2%).

Trong khi đó, chỉ số hạnh phúc chung của cư dân nước ngoài tại Hàn Quốc - được đo lường dựa trên sức khỏe, điều kiện tài chính và mối quan hệ với người khác, trong số các yếu tố khác - đã tăng lên 7,19 điểm từ 6,83 điểm của năm trước.

Theo quốc gia, điểm trung bình của các công dân Mỹ là cao nhất ở mức 7,97 điểm. Cuộc khảo sát cũng cho thấy tình trạng sức khỏe của họ đã được cải thiện, với 72,7% nói rằng sức khỏe "tốt", tăng so với mức 64,5% của năm trước. Tuy nhiên, phần lớn cư dân nước ngoài đánh giá cuộc sống ở thủ đô Hàn Quốc là tốn kém. Chỉ có 7,2% cho biết chi phí sinh hoạt ở Seoul thấp hơn ở quốc gia của họ.

Khi được hỏi liệu họ có cảm thấy chính quyền thành phố Seoul đối xử với họ công bằng so với công dân Hàn Quốc hay không, 45,5% cư dân nước ngoài trả lời là có - tăng so với mức 40,4% vào năm 2023.

Một kết quả tích cực khác là nhiều người trong số cư dân nước ngoài ngày càng cảm thấy có ý thức gắn bó với khu phố của mình - ước tính dựa trên phản hồi cho những câu hỏi như "Bạn có biết những người sống trong cùng khu phố không?" và "Bạn có tham gia các sự kiện trong cộng đồng của mình không?". 81% cho biết họ tham dự một hoạt động cộng đồng thường xuyên nào đó, so với 75% vào năm 2023. Các buổi tụ họp của những người cùng quốc gia là loại hình phổ biến nhất với 23,4%, tiếp theo là các buổi tụ họp tôn giáo với 21,3%.

Tuy nhiên, nhiều cư dân nước ngoài cho biết họ đã trải qua một số hình thức phân biệt đối xử. Khi được hỏi ở đâu, 33,6% nói là nơi làm việc, tiếp theo là các cơ sở do chính phủ điều hành với 25,4%. Khi được hỏi họ nghĩ lý do nào dẫn đến sự phân biệt đối xử trong một câu hỏi có nhiều đáp án trả lời, 51,1% cho biết họ nghĩ điều đó có liên quan đến hạn chế về khả năng tiếng Hàn, tiếp theo là quốc gia xuất xứ của họ (30,4%).

Khi được hỏi liệu họ có muốn tiếp tục sống ở Seoul không, 56% cho biết họ muốn (tăng từ mức 50,4% của năm trước), trong khi 22,7% trả lời là không. Có 21,3% còn lại chọn phương án "trung lập".

Trần Quang (TTXVN)
Seoul sẽ phạt nặng người cho bồ câu ăn ở nơi công cộng
Seoul sẽ phạt nặng người cho bồ câu ăn ở nơi công cộng

Từ tháng 7 tới, thủ đô Hàn Quốc sẽ phạt hành chính lên tới 1 triệu won (17,5 triệu đồng) những người cho chim bồ câu ăn ở một số địa điểm công cộng nhất định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN