Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của Liên minh Châu Âu
Vào tháng 6/2021, Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện một loạt dự án và hành động có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.
Tháng 9/2021, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã giới thiệu về chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu sắp ra mắt, coi đây là chiến lược kết nối. Bà cho biết mục tiêu của chiến lược là tạo ra “liên kết chứ không phải phụ thuộc” bằng cách xây dựng quan hệ đối tác tập trung vào đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối hàng hóa, con người và dịch vụ.
Vào tháng 12/2021, EU chính thức khởi động chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu nhằm xây dựng các kết nối bền vững trên toàn thế giới.
Chiến lược sẽ huy động 300 tỷ euro đầu tư từ năm 2021 đến năm 2027 vào cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm trên khắp các lĩnh vực: kỹ thuật số, khí hậu và năng lượng, vận chuyển, y tế, giáo dục, nghiên cứu nhằm tạo ra môi trường thuận lợi đảm bảo một sân chơi bình đẳng.
Cửa ngõ Toàn cầu tăng cường kết nối trong khu vực châu Âu bằng cách tập hợp các quốc gia thành viên EU và các tổ chức tài chính, phát triển ở từng nước và hơn thế nữa, bằng cách tham gia với các quốc gia đối tác quốc tế để thúc đẩy đầu tư kết nối bền vững.
Chiến lược cũng nhằm mục đích tăng cường ổn định và hợp tác quốc tế, đồng thời cho thấy các giá trị dân chủ mang lại sự chắc chắn và công bằng.
Cửa ngõ Toàn cầu cũng dựa trên quan hệ đối tác bình đẳng - một nguyên tắc được cho là nhằm đối trọng với chiến lược “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc ra đời từ năm 2013. BRI bị cáo buộc khuyến khích phụ thuộc quá mức thông qua “bẫy nợ”.
Gia tăng căng thẳng EU-Trung Quốc
Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu phải được nhìn nhận trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang xấu đi. Mặc dù quan hệ song phương đã được mở rộng với việc ký kết Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) về nguyên tắc vào tháng 12/2020, nhưng mối quan hệ này chuyển sang hướng xấu hơn vào tháng 3/2021 khi EU (cùng với Mỹ, Anh và Canada) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức Trung Quốc và một công ty do vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách trừng phạt một số cá nhân và các tổ chức trên khắp EU, Mỹ, Anh và Canada.
EU đã chỉ trích Trung Quốc nhưng cũng thừa nhận khác biệt cơ bản giữa các hệ tư tưởng. Vào tháng 5/2021, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu để đình chỉ phê chuẩn CAI, làm đình trệ thỏa thuận đã được xây dựng trong 7 năm, khiến rạn nứt trong quan hệ EU-Trung Quốc gia tăng.
Tiếp đó, vào tháng 12/2021, trước khi chiến lược kết nối của EU được công bố, một cuộc họp của Cơ quan Nghiên cứu Nghị viện châu Âu đã xác định BRI là mối đe dọa với mô hình cấp vốn cơ sở hạ tầng đa phương truyền thống và trình bày cơ sở lý luận về phương án của phương Tây nhằm thay thế BRI.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc hoan nghênh tất cả các sáng kiến giúp các nước đang phát triển thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả chiến lược của EU là chi phiếu xấu, dễ thất bại.
Thách thức Trung Quốc ở trong và ngoài châu Âu
Chắc chắn là Cửa ngõ Toàn cầu được thiết kế để đối phó với BRI – sáng kiến trị giá từ 1.000 tỷ đến 8.000 tỷ USD của Trung Quốc nhằm tìm cách kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu thông qua mạng lưới đường bộ và hàng hải.
Trung Quốc có ảnh hưởng kinh tế đáng kể ở Trung và Đông Âu (CEE) và khu vực Tây Balkan. Khuôn khổ hợp tác của Trung Quốc với CEE và Balkan được gọi là 17+1, nhằm mục đích tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng khu vực và thương mại cũng như thúc đẩy quan hệ văn hóa.
Do đó, Cửa ngõ Toàn cầu trước tiên sẽ nhắm mục tiêu đến các khu vực ngoại vi của BRI, trong đó có CEE.
Ở châu Phi cũng vậy, chiến lược sẽ lấp đầy khoảng trống đầu tư mà cách tiếp cận của Trung Quốc tạo ra. Chủ tịch EC đã cam kết sẽ thảo luận về Cửa ngõ Toàn cầu với các nhà lãnh đạo châu Phi trong Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-EU vào tháng 2/2022.
Chiến lược này lên kế hoạch cho các dự án trên toàn cầu, cạnh tranh với BRI không chỉ ở châu Phi và châu Âu (bao gồm cả Bắc Cực), mà còn cả Mỹ Latinh và Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chiến lược phù hợp với tầm nhìn B3W, Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris. Do đó, Cửa ngõ Toàn cầu có thể là một giải pháp thay thế thực sự - một phản ứng thống nhất của phương Tây đối với BRI.
Vượt qua sự chia rẽ trong châu Âu?
Các quốc gia thành viên EU đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa lợi ích ngắn hạn và phụ thuộc dài hạn vào Trung Quốc. Gần đây nhất vào năm 2018, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo về sự can thiệp và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Âu, ngay cả khi chính sách đối ngoại của Đức cho phép tiếp cận thực dụng đối với Trung Quốc.
Cửa ngõ Toàn cầu nếu được thực thi đúng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định những khoảng cách và nhu cầu trong các tiểu vùng châu Âu khác nhau, cho phép tăng cường kết nối và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thị trường châu Âu.
Hơn nữa, quan hệ sau EU-Anh tiếp tục căng thẳng sau Brexit. Nhằm khẳng định tham vọng hậu Brexit, Chính phủ Anh đã đưa ra chương trình nghị sự “Nước Anh toàn cầu”. Vào tháng 3/2021, Anh đã vạch ra vai trò của mình trên thế giới trong thập kỷ tới.
Trong khi đó, EU cũng có ý định tăng cường vai trò với tư cách là một yếu tố kinh tế và địa chính trị trong khu vực.
Bất chấp mối quan hệ khó khăn và nhu cầu xây dựng các cửa ngõ tự trị của riêng mình vào châu Á, liệu EU và Anh có thể hợp tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương không? Cửa ngõ Toàn cầu có thể là một lựa chọn.
Quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Ngoài ra, quan hệ EU-Mỹ cũng căng thẳng, nhất là sau khi Mỹ, Anh và Australia thiết lập liên minh AUKUS.
AUKUS như là lời cảnh tỉnh đối với EU, khiến khối này đặt câu hỏi về sự phụ thuộc vào Mỹ và khuyến khích tách rời khỏi Mỹ để duy trì quyền tự chủ chiến lược.
Quá trình tan băng bắt đầu khi Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU-Mỹ tổ chức cuộc họp đầu tiên trong bối cảnh quan hệ ngoại giao đang xáo trộn. Do đó, Cửa ngõ Toàn cầu có thể là một yếu tố hợp nhất.
Tóm lại, chiến lược này có thể đạt được hai mục đích: sửa chữa rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tiếp tục xây dựng quyền tự chủ chiến lược.