2021 là năm Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao “chiến lang” ở khu vực Trung và Đông Âu, khiến nhiều nhà quan sát nhận định là sự “bắt nạt” các quốc gia không muốn ủng hộ một số chính sách của Bắc Kinh. Điều này cũng khiến cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực châu Âu trở nên căng thẳng.
Theo Michael Trinkwalder, chuyên gia phân tích an ninh tại A3M Mobile Personal Protection và cựu thành viên Nhóm các Giáo sư trẻ về Chính sách đối ngoại (YPFP) Châu Âu, khi nói đến quan hệ của Trung Quốc với Trung và Đông Âu (CEE), 2021 là một năm đầy tổn thất, thụt lùi và thất bại. Trong khi các chính phủ trong khu vực vốn ngày càng mất thiện cảm vì những cam kết đầu tư không được thực hiện của Trung Quốc, sự xuất hiện của COVID-19 càng làm cho mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn.
Một phần, điều này có thể được giải thích bởi sự phẫn nộ của nhiều người đối với việc Trung Quốc ban đầu đối phó với đại dịch một cách sai lầm. Điều đã biến một vấn đề nhằm cải thiện quan hệ thành một thảm họa ngoại giao, chính là sự cứng rắn của Bắc Kinh nhằm kiểm soát điều tra nguồn gốc COVID-19 và các nhà ngoại giao “chiến lang” quyết đoán của họ. Sau đó, Đài Loan/Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội này để tiến hành chương trình ngoại giao vaccine thành công đáng kể ở châu Âu, đặc biệt tập trung vào khu vực CEE. Không ngạc nhiên khi Bắc Kinh phản ứng bằng những lời lẽ đanh thép và đe dọa trả đũa.
Litva là một trường hợp điển hình. Năm 2021, quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này đã trở thành mục tiêu chỉ trích của Trung Quốc khi không chỉ rút khỏi sáng kiến “17 + 1” (khuôn khổ hợp tác giữa Trung Quốc và 17 nước khu vực CEE) do Trung Quốc dẫn đầu mà còn cho phép Đài Loan thành lập văn phòng đại diện, vượt qua giới hạn đỏ của Bắc Kinh. Vì Litva là một trong những trường hợp hiếm hoi mà Trung Quốc thiếu đòn bẩy kinh tế, nên Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại cực kỳ hà khắc, khiến có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-EU nói chung.
Justyna Sczudlik, nhà phân tích Trung Quốc thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM) nhận định Trung Quốc đang “mất dần” khu vực CEE và đây là sự thật không thể chối cãi. Quá trình này, được tăng tốc đáng kể vào năm 2021 và có lẽ sẽ tiếp tục vào năm 2022, không phải là một điều mới lạ. Ở trong nước, Trung Quốc sẽ chủ yếu hướng tới Đại hội Đảng Cộng sản (CPC) sắp diễn ra vào mùa Thu tới và và về tương lai lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nói cách khác, trong giai đoạn này ông Tập cần phải thể hiện sự quyết đoán để cho người dân trong nước thấy rằng Bắc Kinh không chùn bước áp lực từ bên ngoài và muốn đáp ứng tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là đường lối ngoại giao cứng rắn có thể sẽ tiếp tục. Theo nghĩa đó, quá trình Trung Quốc “mất” CEE cũng được cho là sẽ không dừng lại.
Kết quả là, có suy đoán rằng một số nước CEE khác đang cân nhắc đến việc rời khỏi diễn đàn “16 + 1”, ví dụ như Estonia. Do đó, thỉnh thoảng Trung Quốc có thể đưa ra một “cành ô liu” để xoa dịu căng thẳng, hoặc đưa ra tín hiệu hợp tác tích cực với các quốc gia CEE được chọn, vốn có mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc (ví dụ như Serbia hoặc Hungary) để cho người Trung Quốc thấy rằng Bắc Kinh có bạn bè chính trị trong khu vực.
Quá trình Trung Quốc “thất bại” ở CEE sẽ là một động lực lớn cho EU về sự gắn kết và quyết đoán hơn trong việc thiết lập các biện pháp phòng thủ mới, đẩy nhanh việc cải tổ chuỗi giá trị và tăng cường hợp tác với các đối tác cùng chí hướng. Những “di sản” ngoại giao của Trung Quốc năm 2021, đặc biệt là với CEE, có thể đẩy nhanh tiến độ áp dụng các công cụ chống cưỡng chế, cơ chế thẩm định trong thương mại, cùng các biện pháp khác. Do đó, hy vọng của Trung Quốc về việc EU tang cường hợp tác với Bắc Kinh vào năm 2022, chẳng hạn như việc làm “tan băng” Hiệp định Toàn diện EU-Trung Quốc về Đầu tư (CAI), đang mờ dần.
Về phần mình, Filip Sebok, thành viên Nghiên cứu Trung Quốc tại Hiệp hội Các vấn đề Quốc tế (AMO) ở CH Séc lưu ý, các nước CEE đã mất niềm tin vào Bắc Kinh và có thể họ sẽ yêu cầu Trung Quốc thay đổi đáng kể cách tiếp cận của mình để cải thiện quan hệ với các nước thành viên EU. Một trong những biện pháp là việc Trung Quốc cung cấp vaccine. Tuy nhiên, năm 2021, sự hợp tác một lần nữa chỉ giới hạn ở Hungary, Serbia và các quốc gia Balkan khác, trong khi nó không tạo được dấu ấn lớn hơn đối với các nước thành viên khác trong EU. Điều này phản ánh sự thành công của các dự án Trung Quốc trên thực địa, vốn cũng chủ yếu tập trung ở các nước ngoài EU. Vì vậy, chúng ta sẽ phải đợi đến hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - CEE năm 2022 để xem liệu Bắc Kinh có đưa ra một chương trình nghị sự hấp dẫn mới nhằm cải thiện mối quan hệ hay không, nhưng tỷ lệ thành công có lẽ là không quá cao.