Chiến lược “Không COVID” (ZCS), được triển khai từ tháng 4/2020, đã phát huy hiệu quả trong việc kiềm chế lây lan dịch bệnh, tạo điều kiện để cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc vận hành mạnh hơn lúc nào hết. Tính đến tháng 11 vừa qua, xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 tăng 31%. Còn theo thống kê của Nomura, tỉ trọng xuất khẩu của Trung Quốc trong thương mại quốc tế tính tại thời điểm tháng 11/2021 là 16%, tăng so với mức 13% thời điểm đầu đại dịch.
Nhưng những quy định hạn chế siết chặt cùng với lệnh phong tỏa được áp đặt trong tháng 12 vừa qua ở Tây An, Thiên Tân, Hà Nam hay Hong Kong sẽ có tác động lớn đến tiêu dùng ở thời điểm Trung Quốc đón Tết Nguyên đán và tổ chức Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022. Giới chuyên gia kinh tế tại UBS, Goldman Sachs, Barclays và Nomura đều đồng loạt giảm 1% dự báo tăng trưởng GDP đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vừa qua.
“ZCS đã chứng tỏ được sức mạnh thể chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho phép giới chức nước này tán dương mô hình ‘vượt thắng’ Trung Quốc. Ngược lại, từ bỏ ZCS ở thời điểm này bị xem là việc thừa nhận rằng chiến lược đó không hiệu quả”, chuyên gia Ting Lu và Jing Wang tại Nomura ở Hong Kong, bình luận.
Theo hai chuyên gia này, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng cường các biện pháp phòng vệ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực lãnh đạo. “Chúng tôi từng dự đoán khả năng Bắc Kinh từ bỏ ZCS vào cuối tháng 3/2022 sau kỳ Olympic Bắc Kinh và kỳ họp Đại hộ Đại biểu Nhân dân Toàn quốc – tức Quốc hội Trung Quốc. Nhưng nay chúng tôi cho rằng kịch bản này bằng ‘0’. Thay vào đó, có thể Trung Quốc sẽ duy trì ZCS đến tháng 3/2023, sau khi hoàn tất thay đổi cơ cấu lãnh đạo”, ông Ting Lu và Jing Wang, nêu quan điểm.
Nhiều nhà kinh tế nhận định Trung Quốc sẽ tung các gói kích thích kinh tế để ngăn chặn suy giảm tăng trưởng nảy sinh từ việc áp dụng ZCS. Theo chuyên gia kinh tế Hui Shan của Goldman Sachs, khi cầu tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình suy yếu, kích thích tổng cổng bằng chính sách tài khóa sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, tức thời hơn so với việc nới lỏng chính sách tiền tệ để ứng phó với thách thức trong tăng trưởng.
Zhang Ning, chuyên gia kinh tế cao cấp Trung Quốc tại UBS, nhìn nhận ZCS đã chứng tỏ được hiệu quả đặc biệt trong thời gian qua. “Chiến lược Zero-COVID là cách thức hiệu quả nhất để Trung Quốc có thể vận hành nền kinh tế một cách bình thường, với mức tổn thất nằm trong giới hạn quản trị cho phép, khi mà nguồn lực y tế cần huy động giảm hẳn so với các thị trường đang phát triển. Nếu biến thể Omicron còn lây lan, chúng tôi tin rằng chính phủ sẽ tiếp tục mạnh tay trong triển khai phong ở nhiều thành phố, hạn chế di chuyển và thậm chí là đóng băng một số hoạt động trực tiếp”, ông Zhang Ning phát biểu tại Hội thảo Đại Trung Hoa (Greater China Conference) do UBS tổ chức hôm 10/1 vừa qua.
Xuất hiện tại Hội thảo Đại Trung Hoa, tỉ phú Ray Dalio - nhà sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, gây bất ngờ khi ông trưng ra một bảng biểu về sự trỗi dậy và suy giảm của quyền lực các đế chế trong lịch sử, tính từ năm 1500 trở lại đây. Căn cứ vào 21 thông số về quyền lực do Bridgewater Associates lập ra, Trung Quốc hiện đang trong quỹ đạo trỗi dậy mạnh mẽ và sẽ sớm thách thức Mỹ để vươn lên thành “đế chế” quyền lực nhất trên thế giới.
Một điều thú vị được Dailio đề cập trong bài phát biểu chính là việc Trung Quốc từng đạt tới vị thế đế chế mạnh nhất thế giới trong giai đoạn 1500-1600. Đây được coi là thời kỳ cường thịnh của quyền lực Trung Hoa, gắn với triều đại nhà Minh (1368-1644), vốn được hai chuyên gia sử học Đại học Harvard là Edward Reischauer và John Fairbank nhận định là “một trong những kỷ nguyên của một chính quyền ổn định và xã hội ổn định bậc nhất trong lịch sử nhân loại”.
Dalio, người công khai ủng hộ thuyết “thịnh vượng chung” của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, cho rằng một trong những điểm vĩ đại nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc chính là việc họ học lịch sử, am hiểu các xu hướng lịch sử và đặc biệt lãnh đạo Trung Quốc rất chú tâm nghiên cứu các triều đại Trung Hoa.
Theo Edward Reischauer và John Fairbank, có một điểm tương đồng về nhà nước và xã hội thời nhà Minh với cuộc sống tại Trung Quốc ở thời điểm hiện nay. Trong triều đại nhà Minh và nối tiếp đó là nhà Thanh, Trung Quốc đã đạt được mức độ tin tưởng tuyệt đối về thống trị văn hóa của mình đối với thế giới. Sự tự tin lên đến mức Trung Quốc tự coi mình là “Trung Nguyên”, hay “Vương quốc Trung tâm” (Middle Kingdom), với hàm ý trung tâm của nhân loại.
Thành tựu chính trị mà Trung Quốc đạt được hiện nay có một phần được thừa hưởng từ những bước phát triển thiết chế, quản trị trong quá khứ. Một trong những điểm xuyên suốt của tiến trình này chính là việc đề cao trật tự chính trị và xã hội lý tính, mà theo đó từ tôn giáo, thương mại, học tập, công nghệ, thành phố hay nông thôn đều nằm dưới sự chỉ đạo từ cấp trung ương.
Ai đó có thể hoài nghi việc Trung Quốc công bố thông tin chỉ có 4 người nước này tử vong do COVID-19 tính từ tháng 4/2020 trở lại đây (hậu ổ dịch Vũ Hán). Nhưng không ai có thể nghi ngờ gì về việc "Zero COVID" đã giúp bảo vệ vị trí nổi bật của Trung Quốc như là một thế lực có sức đề kháng kinh tế mạnh mẽ nhất giữa đại dịch.