Theo trang The Guardian (Anh), vào tháng 9/2021, dù chỉ ghi nhận 2 ca COVID-19 trong cộng đồng, 200.000 dân ở thị trấn biên giới Thuỵ Lệ, tỉnh Vân Nam, đã bị phong toả nghiêm ngặt. Sau đó, các cư dân ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, cũng được yêu cầu không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết trong nỗ lực dập dịch quyết liệt sau khi giới chức phát hiện hàng trăm ca nhiễm. Ở tỉnh Quảng Tây, 4 người đã bị diễu phố do vi phạm quy định phòng dịch COVID-19.
Ngoài phong toả, đóng cửa biên giới cũng là một trong các biện pháp hữu hiệu của chiến lược zero COVID mà quốc gia 1,4 tỉ dân đang áp dụng. Với biện pháp này, rất ít người được đến hoặc rời khỏi Trung Quốc. Những người nhập cảnh vào nước này phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt trong vòng 3 tuần.
Giống như Trung Quốc, một số quốc gia khác trên thế giới cũng từng áp dụng zero COVID làm lá chắn ngăn chặn dịch bệnh. Song với tỉ lệ tiêm chủng ngày càng cao, áp lực kinh tế-xã hội và sự xuất hiện của biến thể mới lây nhiễm nhanh hơn, nhiều nước - như Australia, New Zealand và Singapore -đã bắt đầu tái mở cửa với thế giới. Đến năm 2022, dường như chỉ còn Bắc Kinh đang đơn độc đi trên con đường chống dịch này.
Một số nhà khoa học và quan chức cấp cao trong nước đã kêu gọi Trung Quốc mở cửa trở lại khi tin rằng COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Gần đây, ông Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, nhận định rằng nước này có thể sẵn sàng gỡ bỏ “rào chắn” zero COVIDkhi tỷ lệ tiêm chủng đạt 85%. Ông dự đoán thời điểm đó có lẽ vào đầu năm 2022.
Nhiều chuyên gia khác cùng giới khoa học nước ngoài cũng cho rằng việc đóng cửa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể không đủ để ngăn chặn các biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Giáo sư Tulio Oliveira, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó với Dịch bệnh của Nam Phi, nói: “Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn với Omicron và chính sách ‘zero COVID’. Họ có thể cần tham gia cùng các quốc gia khác đưa ra chiến lược giảm thiểu lây nhiễm trước biến thể dễ lây lan hơn”.
Song, các nhà phân tích cho rằng bằng bất kỳ giá nào, Trung Quốc có khả năng sẽ nỗ lực hết sức để “nhổ tận gốc” virus SARS-CoV-2 trong năm nay, trước hai sự kiện quan trọng và có giá trị lớn. Vào tháng 2 tới, Bắc Kinh sẽ đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông và đến mùa thu, Đại hội Đảng lần thứ 20 của nước này sẽ diễn ra.
Lynette Ong, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, cho rằng: “Chính sách zero-COVID của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi mối lo ngại về ổn định xã hội. Nước này coi COVID-19, SARS và các bệnh dịch hoặc đại dịch khác là cuộc khủng hoảng sức khỏe có khả năng tiến triển thành cuộc khủng hoảng xã hội. Với quan điểm đó, không khó hiểu tại sao Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ chiến lược phòng dịch của mình bằng mọi giá. Tuy nhiên, chi phí là rất lớn. Khi các quốc gia còn lại trên thế giới học cách sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc sẽ thấy mình đơn độc với ít cơ chế đối phó hơn”.
Song không thể phủ nhận rằng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt đã có hiệu quả đáng kinh ngạc cho đến nay. Trong 4 tuần qua, khi Trung Quốc chống chọi với làn sóng dịch bệnh tương đối lớn trong cộng đồng, nhà chức trách đã ghi nhận 3.400 ca mắc và không có ca tử vong. Trong cùng thời kỳ đó, Mỹ đã ghi nhận trên 5,7 triệu người mắc với khoảng 36.000 người đã tử vong. Ngoài ra, khi các nền kinh tế khác đứng trên bờ vực sụp đổ dưới áp lực của đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển.
Nhưng nếu Trung Quốc vẫn lựa chọn con đường khác biệt này, chi phí và những thách thức của zero-COVID dường như chắc chắn sẽ gia tăng.
Vào năm 2020 và 2021, Trung Quốc đã dập tắt được đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên. Sau đó, các nhà máy của họ vẫn có thể cung cấp hàng hóa cho thế giới vì đại dịch dường như đã đi qua. Tuy nhiên, giờ đây, phép tính kinh tế đã trở nên phức tạp hơn. Các quy định phong toả và cách ly nghiêm ngặt đang ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chuỗi cung ứng toàn cầu đến sản lượng của các nhà máy. Nhiều đối tác thương mại của nước này đã gặp khó khăn lớn trước tác động của việc đột ngột áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới. Trong khi đó, nếu các thị trường khác bắt đầu nới lỏng khi Trung Quốc vẫn đóng cửa, họ có thể buộc phải tìm kiếm các đối tác thương mại ở những nơi khác.
Nếu Bắc Kinh vẫn đóng cửa với thế giới, điều này cũng có thể làm giảm nỗ lực thể hiện tầm ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới. Đây là một đặc điểm nổi bật trong chiến lược ngày càng quyết đoán của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, bao gồm việc cung cấp đầu tư và viện trợ trên khắp thế giới trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” hàng đầu của ông.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng hiện tại, Trung Quốc rõ ràng đang ưu tiên các lợi thế của chính sách zero COVID. Họ chấp nhận trả bất cứ giá nào để duy trì tình trạng ổn định trong một thế giới nơi dịch bệnh đang hoành hành.
Thomas Hale, Phó giáo sư về chính sách công tại Đại học Oxford, bình luận: “Chiến lược dập dich năng động của Trung Quốc cho đến nay đã chứng minh hiệu quả hạn chế dịch bệnh lây lan trong nước, mặc dù tốn khá nhiều chi phí, nỗ lực và phải đánh đổi đáng kể. Các tuyên bố của chính phủ kể từ sự xuất hiện của Omicron cũng cho thấy rằng việc từ bỏ zero COVID là điều không sớm xảy ra. Hơn nữa, khi nó xảy ra, quá trình thay đổi có thể không dễ dàng, vì xã hội Trung Quốc đã khá quen với mức độ lây nhiễm thấp”, ông nói.