Theo kênh truyền hình TRT World (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, Kazakhstan là quốc gia giàu nhất Trung Á với trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ, nhưng nước này cũng nằm trong khu vực chiến lược giữa Nga và Trung Quốc. Tất cả những điều này khiến nó trở thành một quốc gia quan trọng đối với cả Bắc Kinh và Moskva.
Trong khi Nga và Trung Quốc hợp tác trong một số vấn đề chống lại áp lực chính trị ngày càng tăng của phương Tây, họ cũng cảnh giác về việc đối phương gây ảnh hưởng quá mức đối với các quốc gia như Kazakhstan.
Phản đối “Cách mạng màu”
Cả hai nước đồng quan điểm về một số vấn đề, trong đó có việc ngăn chặn một cuộc cách mạng màu nổ ra ở quốc gia quan trọng nhất của Trung Á. Các cuộc cách mạng màu ở Ukraine và Gruzia, vốn là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ cũng giống như Kazakhstan, đã lật đổ các nhà lãnh đạo ủng hộ Nga, thành lập các chính phủ thân phương Tây.
Do đó, Nga rất quan tâm đến việc thay đổi chế độ ngày càng nhiều ở các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ. "Các biện pháp mà CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể) thực hiện đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai làm mất ổn định tình hình và thực hiện cái gọi là các kịch bản cách mạng màu", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói, phản ứng trước tình hình bất ổn ở Kazakhstan.
Nga đã cử lực lượng quân sự của mình thuộc CSTO, một liên minh an ninh do Moskva đứng đầu, hiện đang dưới quyền chỉ huy của Armenia, đến Kazakhstan để giúp Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev dẹp loạn.
Trung Quốc, quốc gia gần đây cảnh giác với các yêu cầu ủng hộ dân chủ của Hồng Kông, cũng chống lại các cuộc cách mạng tương tự. “Trung Quốc phản đối bất kỳ lực lượng nước ngoài nào âm mưu tiến hành 'cách mạng màu' ở Kazakhstan”, truyền thông nhà nước dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Kazakhstan Tokayev.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Kazakhstan đều cho rằng cuộc nổi dậy được tổ chức bên ngoài, ám chỉ liên minh phương Tây hậu thuẫn. Ông Putin nói: “Đó là vì các thế lực phá hoại bên trong và bên ngoài đã lợi dụng tình hình”, đề cập đến sự tức giận của dân chúng liên quan đến việc tăng giá 100% khí hóa lỏng (LPG) của Chính phủ Kazakhstan. Cả Nga và Trung Quốc cũng thận trọng theo dõi các diễn biến phong trào dân tộc chủ nghĩa của người Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì Trung Quốc và Nga có dân số đáng kể người Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á, bao gồm cả Kazakhstan.
Lợi ích của Nga
Kazakhstan là rất quan trọng đối với Nga vì cả lý do lịch sử và chính trị. Cuộc nổi dậy Trung Á đầu tiên chống lại Đế quốc Nga bắt đầu ở Kazakhstan ngày nay dưới sự chiếm đóng của Nga vào năm 1916. Cuộc nổi dậy sau đó đã truyền cảm hứng cho phong trào Basmachi, phong trào tìm cách thiết lập một chính thể người Thổ Nhĩ Kỳ độc lập trên khắp Trung Á vào những năm 1920. Cả hai cuộc nổi dậy đều thất bại.
Ngoài lịch sử, quốc gia Trung Á này cũng rất quan trọng đối với Moskva do có nhiều người gốc Nga, chủ yếu tập trung ở phía Bắc Kazakhstan. Dưới thời cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev, giới lãnh đạo Kazakhstan theo đuổi chính sách dân tộc chủ nghĩa nhằm tăng dân số Kazakhstan.
Chính sách của ông Nazarbayev dường như đã thành công khi dân số Kazakhstan đạt mức cao nhất 68% vào năm 2020 so với dân số Nga là khoảng 19%. Mặc dù người Nga vẫn còn đáng kể ở Kazakhstan, nhưng không thể so sánh với số lượng thời Liên Xô cũ. Năm 1970, với chính sách trao đổi dân số giữa các nước cộng hòa khác nhau trong Liên bang Xô viết, người Kazakhstan không còn chiếm đa số ở Kazakhstan. Trong khi dân số Nga ở mức 43%, người Kazakhstan chỉ chiếm 32% ở Kazakhstan vào 5 thập kỷ trước.
Trong khi cả cựu Tổng thống Nazarbayev và ông Tokayev tiếp tục ủng hộ Nga về đối ngoại, thì Moskva dường như bắt đầu cảnh giác với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Kazakhstan. Một số nhà phân tích Nga cũng cho rằng chủ nghĩa dân tộc Kazakhstan có thể đứng sau các cuộc biểu tình bạo lực. “Nếu tình hình ở Kazakhstan thay đổi và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan lên nắm quyền, chính sách về Nga cũng sẽ thay đổi”, Andrey Kortunov, Tổng giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Moskva, cảnh báo.
Lợi ích của Trung Quốc
Trung Quốc cũng có rất nhiều lợi ích ở Kazakhstan, nhưng Bắc Kinh hành xử khác với Nga, sử dụng các công cụ quyền lực mềm để tạo ảnh hưởng của mình đối với Kazakhstan.
Trước hết, Kazakhstan nằm trên tuyến đường của Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc. Do đó, bất kỳ sự bất ổn nào ở Kazakhstan sẽ làm gia tăng lo ngại của Bắc Kinh về an ninh của tuyến đường xuyên Trung Á.
Thứ hai, Trung Quốc có các hoạt động khai thác bitcoin mạnh ở Kazakhstan. Các hoạt động bitcoin lớn của Trung Quốc đôi khi gây ra nhiều căng thẳng liên quan đến việc cung cấp điện ở Kazakhstan, dẫn đến mất điện và khiến người dân địa phương phẫn nộ trong nhiều ngày trước khi diễn ra các cuộc biểu tình. Theo các chuyên gia, với việc giá LPG tăng, sự tức giận bắt nguồn từ điện đó đã trở thành những cuộc biểu tình lớn.
Thứ ba, Trung Quốc không muốn thể hiện bất kỳ hình thức quyết đoán sắc tộc nào trên khắp các vùng lãnh thổ rộng lớn của mình, vì lo ngại rằng tình hình bất ổn ở Kazakhstan có thể khuyến khích một số người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc nổi dậy. “Liệu các tổ chức khủng bố như Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan có được khuyến khích bởi cuộc bạo loạn Kazakhstan không? Tình hình thực sự không thể đoán trước được”, Pan Guang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, bình luận.