Mỹ mở căn cứ quân sự mới kiềm chế Nga, Trung Quốc

Quyết định thiết lập căn cứ quân sự mới của Mỹ phản ánh cả tầm quan trọng chiến lược của Albania và sự biến động ngày càng tăng ở vùng Balkan.

Nhà tư vấn chính trị và nghiên cứu khoa học Lucas Leiroz tại Đại học Rio de Janeiro ngày 12/1 cho biết trên trang Globalresearch.ca rằng, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, một cưu nhân viên CIA thông báo rằng Mỹ đang mở một căn cứ quân sự ở Albania để kiềm chế Trung Quốc. 

Chú thích ảnh
Binh sĩ Albania trong một cuộc tập trận. Ảnh: mod.gov.al

Theo ông Leiroz, một đơn vị lực lượng đặc biệt của Mỹ tại quốc gia Balkan này có nhiệm vụ chính là ngăn chặn bất kỳ hình thức quan hệ nào giữa Tirana và Bắc Kinh, biến Albania trở thành một vệ tinh trong khu vực phục vụ lợi ích của Washington.

Cuối tuần trước, Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) thông báo họ sẽ thành lập một trụ sở mới ở Balkan - một đơn vị hoạt động đặc biệt có trụ sở tại Albania, sẽ là một phần trong nỗ lực tổng thể của chính phủ Mỹ nhằm nâng cao năng lực của các lực lượng phương Tây để đảm bảo sự ổn định trong khu vực. Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo khả năng tương tác giữa các lực lượng của Mỹ và Albania, cũng như khả năng tiếp cận chiến lược tới các trung tâm quân sự quan trọng ở Balkan.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Các chiến dịch Đặc biệt Mỹ ở châu Âu (SOCEUR), Thiếu tướng David H. Tabor, được trích dẫn nói: “Khả năng cơ động và huấn luyện nhanh chóng trong vùng Balkan, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đồng minh và đối tác khác, đã khiến Albania trở thành địa điểm tốt nhất cho quyết định này”.

Bình luận về vụ việc trong cuộc phỏng vấn với tờ Sputnik (Nga), cựu nhân viên CIA Ray McGovern tuyên bố rằng Chính phủ Mỹ quyết định mở một căn cứ quân sự trong khu vực “bởi vì Washington mới biết rằng Albania có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc”. Theo nghĩa này, mục đích của việc thành lập căn cứ mới này sẽ là làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và ngăn chặn mối quan hệ hợp tác giữa Tirana và Bắc Kinh.

Phân tích sự hợp tác gần đây giữa Trung Quốc và Albania, có thể thấy rằng sự gia tăng đáng kể trong quan hệ đối tác song phương. Một báo cáo gần đây của Mạng Báo cáo Điều tra Balkan (một tổ chức phi chính phủ Balkan thân phương Tây) cho thấy có ít nhất 135 dự án hợp tác giữa Trung Quốc và Albania có giá trị hơn 36 triệu USD. Các dự án hoạt động trong các lĩnh vực như công nghệ cao, máy tính, luyện kim, khai thác mỏ, năng lượng, giao thông, cơ sở hạ tầng, an ninh, v.v. Một trong những dự án khiến phương Tây lo ngại là hợp tác công nghệ với Huawei, một công ty Trung Quốc.

Ngoài hợp tác kinh tế, Bắc Kinh và Tirana cũng đã mở rộng mối quan hệ hợp tác văn hóa, với việc gia tăng các dự án khoa học và giáo dục. Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Albania Ilir Meta và  Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh quan trọng, trong đó hai nhấn mạnh tiềm năng to lớn của hợp tác song phương và nhất trí thúc đẩy thương mại quốc tế, với mục tiêu đưa Albania ngày càng hội nhập sâu hơn vào Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) của Trung Quốc. Thực tế là các mối quan hệ này đã phát triển mạnh trong ba tháng qua sau kết quả của hội nghị thượng đỉnh này - và đây chính là điều khiến Washington lo lắng: sự xuất hiện của BRI ở Balkan.

Để đối phó với tình huống trên, Mỹ thiết lập một đơn vị lực lượng đặc biệt ở Albania nhằm giám sát và gây áp lực để Chính phủ Albania từ bỏ quan hệ với Trung Quốc. Washington dường như đang nỗ lực biến Tirana trở thành một vệ tinh trong khu vực vì lợi ích của Mỹ.

Về phần mình, theo phóng viên quân sự John Vandiver, việc thành lập căn cứ quân sự trên sẽ đặt Lực lượng Đặc biệt Mỹ gần “các quốc gia như Hy Lạp, Kosovo, Montenegro, Bosnia, Bắc Macedonia và Serbia, nơi ảnh hưởng chính trị, kinh tế và quân sự của Nga ngày càng mạnh mẽ hơn”. 

Là một quốc gia từng bị cô lập trong Chiến tranh Lạnh, Albania đã chuyển thành một quốc gia thân Mỹ và thân phương Tây. Nước này gia nhập NATO năm 2009, đã gửi quân tới hỗ trợ cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan và Iraq, qua đó củng cố quan điểm thân Mỹ của Albania.  

Quyết định của Mỹ cũng phản ánh tầm quan trọng chiến lược của Albania và sự biến động ngày càng tăng ở vùng Balkan, đồng thời giúp Mỹ tăng cường kiểm soát một phần của châu Âu. Thủ tướng Albania Edi Rama đã hoan nghênh thông báo này và gọi đó là “tin tuyệt vời”. Trên thực tế, Albania đã đề nghị Mỹ thiết lập một căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình vào năm 2018.  

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Globalresearch)
3 tuần trước Olympic Mùa đông Bắc Kinh, Trung Quốc ở thời điểm bùng dịch khó khăn nhất
3 tuần trước Olympic Mùa đông Bắc Kinh, Trung Quốc ở thời điểm bùng dịch khó khăn nhất

Chỉ 3 tuần trước khi đăng cai Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Trung Quốc đang phải đối phó với nhiều đợt bùng phát COVID-19 ở khắp các tỉnh thành. Trong đó, thành phố gần thủ đô nhất đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN