Một người khác ngang nhiên đẩy khỏi cửa một chiếc xe chứa đầy thịt bò và sốt mayonnaise trị giá 900 USD. Một người khác thậm chí còn dùng chai sữa tấn công nhân viên bảo vệ trước khi xách giỏ hàng bỏ đi.
Không ai cố gắng che giấu hành vi trộm cắp của họ.
Những người đàn ông này xuất hiện trong đoạn phim an ninh tại chuỗi cửa hàng Foodstuffs North Island được công bố vào tháng trước. Họ là bằng chứng phản ánh làn sóng tội phạm nhằm vào các cửa hàng bán lẻ đang leo thang khắp New Zealand và nước láng giềng Australia.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ, hành vi trộm cắp diễn ra trắng trợn, có tổ chức và ngày càng bạo lực. Tình trạng này đã khiến cả hai quốc gia thiệt hại tổng cộng khoảng 6,3 tỷ USD mỗi năm.
Các chuyên gia cho rằng thực trạng trên ngày càng nêu bật nỗi khó khăn mà nhiều người dân đang phải đối mặt khi chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng cao.
Ông Phil Thomson, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập nền tảng theo dõi tội phạm bán lẻ Auror, cho biết khi người tiêu dùng bị siết chặt, tội phạm có tổ chức đang tìm kiếm một thị trường sẵn sàng mua bán các mặt hàng thực phẩm và đồ gia dụng khác bị đánh cắp.
Ông nói: “Phần lớn các vụ trộm xảy ra là do những người hành nghề trộm cắp. Khoảng 10% dân số đang gây ra khoảng 60% vụ phạm tội. Và tất cả đều vì động cơ lợi nhuận. Họ ăn trộm để lấy đơn đặt hàng rồi bán lại”.
New Zealand và Australia không phải là ngoại lệ trong làn sóng gia tăng tội phạm hàng bán lẻ. Ở Mỹ, các nhóm trộm cướp đã nhắm mục tiêu vào các trung tâm thương mại sang trọng ở California. Trong khi ở Anh, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang ăn cắp những mặt hàng có giá trị cao.
Tuy nhiên, dữ liệu về nạn trộm cắp tại hai nước láng giềng ở Nam bán cầu rất rõ ràng. Theo số liệu do cảnh sát công bố trong tháng 9, số vụ trộm cắp tại cửa hàng bán lẻ ở New Zealand đã tăng 45% vào năm 2022 so với năm 2021, trong đó có các hành vi trộm cắp được báo cáo trực tiếp và thông qua Auror.
Theo dữ liệu của chính phủ công bố hồi đầu tháng này, tỷ lệ trộm cắp từ các cửa hàng bán lẻ đã tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái ở New South Wales, bang đông dân nhất Australia.
Không muốn chịu thêm tổn thất, nhiều doanh nghiệp đang cải tổ hệ thống an ninh của họ, đặc biệt là tại quầy thanh toán tự phục vụ nơi việc lấy cắp sản phẩm trở nên dễ dàng hơn.
Họ sử dụng những giải pháp như gắn thiết bị cảm biến trên mái nhà, đặt cổng phát hiện tự động gầnbàn thanh toán và thậm chí cả phần mềm nhận dạng khuôn mặt…
Ông Chris Quin, Giám đốc điều hành Foodstuffs North Island, lại nhận xét rằng siết chặt an ninh không phải là điều nên làm trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt như hiện nay. Theo ông, giải pháp chính là làm thế nào để giảm giá thực phẩm.
Số vụ trộm cắp gia tăng cũng phản ánh nỗi tuyệt vọng ngày càng tăng của nhiều người.
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 8 của Đại học Quốc gia Australia, khoảng 30% người dân nước này đang gặp khó khăn trong việc trang trải cuộc sống bằng nguồn thu nhập của mình. Cuộc khảo sát này cũng cho thấy người dân đang chi tiêu ít hơn cho nhu yếu phẩm, cũng như trì hoãn những khoản mua sắm lớn.