Đó là kết quả của một nghiên cứu được công bố hôm 24/4 tại Anh, cho thấy “COVID kéo dài” đang trở thành một tình trạng phổ biến.
Theo hãng thông tấn AFP, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 2.300 bệnh nhân COVID-19 và nhận thấy phụ nữ có khả năng phục hồi thấp hơn 33% so với nam giới.
Bên cạnh đó, người béo phì có 50% khả năng hồi phục hồi trong một năm, còn những người từng phải thở máy thì dưới 58%.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra tình trạng sức khoẻ của những người đã hoàn thành quá trình điều trị tại 39 bệnh viện ở Anh trong giai đoạn từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021, sau đó đánh giá kết quả hồi phục của 807 người tại thời điểm 5 tháng và 1 năm kể từ khi mắc bệnh.
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Lancet Respiratory Medicine, chỉ 26% bệnh nhân đã hồi phục toàn diện sau 5 tháng, và con số này đã tăng nhẹ lên 28,9% sau tròn 1 năm.
"Tỷ lệ phục hồi hạn chế trong giai đoạn từ 5 tháng đến 1 năm sau khi nhập viện đối với các triệu chứng, sức khỏe tâm thần, khả năng vận động, suy giảm chức năng cơ thể và chất lượng cuộc sống là rất đáng chú ý", ông Rachel Evans, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chăm sóc và Sức khỏe Quốc gia Anh cho biết.
Các triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến nhất là mệt mỏi, đau cơ, ngủ kém, chậm chạp về thể chất và khó thở.
Đồng tác giả nghiên cứu Christopher Brightling tại Đại học Leicester nói thêm rằng nếu không được điều trị hiệu quả, “COVID kéo dài” có nguy cơ cao trở thành một tình trạng lâu dài mới.