Theo kênh CNN, bầu trời màu cam và đỏ đã bao phủ San Francisco, Oakland và Berkeley. Người dân có thể quan sát các đám cháy rừng dữ dội từ đằng xa.
Phóng viên khí tượng kênh CNN cho biết: “Khi khói bụi dày hơn ở gần khu vực cháy rừng, nó có thể che hoàn toàn ánh sáng Mặt Trời, khiến khung cảnh không khác gì giữa đêm”.
Người dân phải bật đèn giữa ban ngày. Gió mang theo khói cháy rừng từ xa tới. Cả đám cháy Creek và North Complex đều xảy ra cách đó hơn 300km nhưng người dân ở khu vực vịnh có thể cảm nhận. Dân cư ở các nơi khác như Salem (Oregon) cũng cảm nhận được khung cảnh như ngày tận thế.
Những cột khói khổng lồ do cháy rừng hoành hành khắp California đã khiến khu vực vịnh phải phát cảnh báo chất lượng không khí độc hại kéo dài 25 ngày liên tục. Kỷ lục trước đó là 14 ngày liên tiếp khi xảy ra cháy rừng năm 2018.
Ông Erin DeMerritt, phát ngôn viên Khu vực Quản lý Chất lượng Không khí vịnh, cho biết mắt thường không thể nhìn thấy các hạt bụi này. Chúng lơ lửng trong không khí, tạo ra hiệu ứng khiến người ta có cảm giác ám ảnh.
Một người dân tên Sneha Patil ở San Francisco viết trên mạng xã hội: “Thật là kỳ quái. Tôi cảm như mình tỉnh giấc ở Sao Hỏa”.
Video khung cảnh như Sao Hỏa do cháy rừng (nguồn: Instagram):
Một người dân tên Michelle McKeown ở Oakland cho biết nhà hàng xóm vẫn bật đèn dù đã 10 giờ sáng. Cô nói: “Tôi đã sống ở khu vực vịnh từ năm 1988 và chưa bao giờ thấy bầu trời thế này”.
Nhà khoa học khí hậu Peter Gleick, sáng lập viên Viện Thái Bình Dương, cho biết những gì ông đang nhìn thấy ngoài cửa sổ là dấu hiệu biến đổi khí hậu. Ông nói: “Biến đổi khí hậu là rõ ràng và đang ảnh hưởng tới cháy rừng: nóng hơn, nhiệt độ cao hơn, khô hạn hơn, nhiều cây chết hơn, thời tiết cực đoan hơn”.