Chiến dịch tập trung vào trung tâm tiếp nhận người di cư và cửa khẩu biên giới, vốn là những "điểm nóng" về bóc lột tình dục, ép buộc nạn nhân ăn xin và phạm tội.
Thông báo ngày 20/10 của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết cơ quan này đã phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Tổ chức Cảnh sát biên giới Frontex của châu Âu triển khai một chiến dịch chống buôn người tại nhiều quốc gia. Trong chiến dịch thứ nhất, diễn ra từ ngày 9 đến 13/10 tại 19 nước châu Âu, cảnh sát đã giải cứu 34 trẻ vị thành niên và 1.072 người trưởng thành đang trong tình trạng "dễ bị tổn thương hoặc bị lạm dụng", bắt giữ 16 đối tượng tình nghi liên quan. Ở chiến dịch thứ 2, các lực lượng an ninh đã bắt giữ 74 đối tượng buôn người.
Các cơ quan chức năng cho biết thêm trong khuôn khổ các chiến dịch, các đặc vụ đã thẩm vấn hơn 240.000 người liên quan.
Trong một báo cáo mới đây, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết số người tị nạn và di cư tới châu Âu trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm, nhưng nhiều người phải đối mặt với nguy cơ bị thiệt mạng và lạm dụng bởi họ vẫn phải dựa vào mạng lưới vận chuyển của những kẻ buôn người để thực hiện hành trình di cư của mình. Họ trở thành nạn nhân của những đối tượng tội phạm này.
Theo UNHCR, số vụ người di cư vượt Địa Trung Hải vào châu Âu trong nửa đầu năm 2017 đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do người tị nạn sử dụng tuyến đường biển từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Hy Lạp giảm 94% trong khi số vụ vượt biển từ Bắc Phi sang Italy vẫn ở mức bằng năm ngoái. Báo cáo nhấn mạnh về tình trạng bạo lực và lạm dụng thường xảy ra trên hành trình của người tị nạn. Nhiều người di cư và tị nạn từ Libya tới Italy đã phải vượt qua vùng sa mạc nguy hiểm, bị bạo lực tình dục, tra tấn và bắt cóc đòi tiền chuộc.