Châu Âu tìm cách tiếp cận toàn diện cho cuộc khủng hoảng di cư

Ngày 23/9, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiến hành cuộc họp thượng đỉnh không chính thức tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về các biện pháp bổ sung nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.


Cao ủy châu Âu về di cư, nội vụ và vấn đề công dân Dimitris Avramopoulos (trái) và Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga tại cuộc họp EU ở Brussels, Bỉ ngày 22/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Đây là cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 3 về chủ đề này kể từ tháng 4 vừa qua. Các biện pháp được đề cập đến là hỗ trợ tài chính cho các quốc gia láng giềng với Syria, củng cố các thỏa thuận Dublin cũng như bảo vệ những thỏa thuận của khối Schengen.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng bàn về việc cần phải thiết lập một chính sách di cư đáng tin cậy của châu Âu do Công ước Dublin, một luật quốc tế về tị nạn của châu Âu, quy định người di cư phải đăng ký tại quốc gia đầu tiên mà họ đến, sắp hết hiệu lực.

Trước đó, ngày 22/9, các bộ trưởng nội vụ châu Âu đã đạt được sự đồng thuận về phân bổ 120.000 người di cư, mặc dù vẫn vấp phải sự phản đối từ các quốc gia Đông Âu. Trong thư gửi các nhà lãnh đạo EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh đây là lúc cần phải tìm ra "một cách tiếp cận toàn diện cho cuộc khủng hoảng người di cư". Ông cũng thừa nhận cuộc khủng hoảng di cư hiện đang đặt ra nhiều vấn đề cơ bản đối với tương lai của toàn châu lục. Những khó khăn nhằm đạt được sự đồng thuận về kế hoạch khẩn cấp tái bố trí người nhập cư đã bộc lộ những điểm yếu của liên minh. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được hôm 22/9 đang gây căng thẳng giữa các quốc gia như Hungary, Rumania, CH Séc và Slovakia, vốn phản đối kế hoạch phân bổ này.

Làn sóng người di cư trong vài tuần qua đã khiến Áo và Đức áp đặt lại quy định kiểm soát biên giới và đặt ra câu hỏi về việc đi lại tự do trong khối Schengen (gồm 22 nước thành viên EU và 4 nước liên kết). Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo EU phản đối việc xóa bỏ khối Schengen. Theo các nhà phân tích, cần phải có sự đồng thuận về việc tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài để bảo vệ khối Schengen cũng như cần xem xét một cách nghiêm túc ý tưởng về thành lập các nhóm biên phòng và bảo vệ bờ biển châu Âu.

Đề cập đến việc giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng di cư hiện nay tại châu Âu, Chủ tịch Tusk kêu gọi các nhà lãnh đạo "Lục địa Già" tăng cường nỗ lực ngoại giao tại Syria, với kế hoạch trước mắt là tăng hỗ trợ tài chính cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và cho Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), những tổ chức đang quản lý các trại tị nạn Syria ở Jordan, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ. Về trung hạn, giới chức Brussels cho rằng cần tăng cường an ninh, lập lại ổn định tại các nước đang có xung đột vũ trang để người dân không phải rời bỏ quê hương, bị bọn buôn người dụ dỗ và vượt những hành trình nguy hiểm tới châu Âu.

TTXVN/Tin Tức
Khoảng 450.000 người di cư sẽ hưởng quy chế tị nạn lâu dài
Khoảng 450.000 người di cư sẽ hưởng quy chế tị nạn lâu dài

Truyền thông Đức ngày 22/9 dẫn kết quả nghiên cứu vừa công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho hay khoảng 450.000 người trong số hàng trăm nghìn di cư đến châu Âu hiện nay sẽ được hưởng quy chế tị nạn lâu dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN