Croatia nới lỏng lệnh phong tỏa biên giới với Serbia

Chính phủ Croatia đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Serbia vào nước này, song chỉ áp dụng đối với những xe tải chở hàng hóa dễ hỏng.


Người di cư tại khu vực biên giới Hungary - Croatia, gần làng Zakany của Hungary ngày 21/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Đài phát thanh nhà nước Croatia ngày 22/9 dẫn tuyên bố của chính phủ cho biết, lệnh phong tỏa trên, được áp đặt vào sáng 21/9, đã tạo ra một hàng xe tải dài 12km trên tuyến đường cao tốc Zagreb - Belgrade.

Trước đó cùng ngày, Chính phủ Serbia tuyên bố sẽ có hành động đáp trả sau khi nước láng giềng Croatia áp đặt lệnh phỏng tỏa đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa hai nước nhằm hạn chế dòng người di cư ồ ạt tiến về khu vực biên giới chung.

Cũng trong ngày 22/9, truyền thông Đức dẫn kết quả nghiên cứu vừa công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy khoảng 450.000 trong số hàng trăm nghìn người di cư đến châu Âu hiện nay sẽ được hưởng quy chế tị nạn lâu dài. Đây sẽ con số nhiều nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II đến nay.

Nghiên cứu của OECD có tiêu đề “Bàn thảo chính sách di trú" đã tập trung phân tích các xu hướng di cư mới nhất đang diễn ra và chính sách nhập cư của nhóm các nước công nghiệp phát triển là thành viên tổ chức này. Theo OECD, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 700.000 người nộp đơn xin tị nạn tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và con số này vào thời điểm cuối năm 2015 sẽ lên đến 1 triệu người. Những con số này vượt xa mốc 630.000 người di cư xin tị nạn hồi năm 1992 khi xảy ra Chiến tranh Bosnia.

OECD cũng đánh giá cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay là chưa từng có tiền lệ đối với các nước phát triển. Các nước xuất phát điểm di cư có hoàn cảnh khác nhau và người di cư cũng ra đi vì nhiều lý do khác nhau và đây chính là nguyên nhân làm cho việc xét các hồ sơ xin tị nạn trở nên đặc biệt khó khăn. 

Trước tình hình khủng hoảng tại hàng loạt nước như Syria, Libya và Afghanistan, OECD dự báo dòng người di cư quy mô lớn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

TN (Theo Reuters)
Sự thay đổi đường đi của người di cư
Sự thay đổi đường đi của người di cư

Trong số hàng trăm nghìn người di cư và người tị nạn qua Địa Trung Hải, chỉ có một số ít những người di cư được cứu thoát bởi tàu hàng như tàu Caprice kể từ tháng 1/2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN