Châu Á lo chuẩn bị kế sách ứng phó Brexit

Sau khi cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu quyết định nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), lãnh đạo các nước châu Á đã bày tỏ quan ngại về những tác động kinh tế của sự kiện này.

Bảng điện tử về kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh và chỉ số chứng khoán tại một sàn giao dịch chứng khoán ở Mumbai, Ấn Độ ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley cho biết nước này đã chuẩn bị tốt để đối phó với các tác động của việc nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Theo ông Jaitley, Chính phủ Ấn Độ và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, Ngân hàng trung ương) cũng như các cơ quan hữu quan đang phối hợp chặt chẽ với nhau để đối phó với bất kỳ sự bất ổn nào trong ngắn hạn và đảm bảo giảm thiểu các tác động đối với nền kinh tế trong nước.

Tại Hàn Quốc, các nhà hoạch định chính sách kinh tế chủ chốt của nước này đã họp khẩn cấp để thảo luận biện pháp bình ổn thị trường tài chính trong nước sau cuộc trưng cầu ở nước Anh. Cuộc họp do Thứ trưởng Tài chính Choi Sang Mok chủ trì. Bộ Tài chính ra tuyên bố sau cuộc họp cho biết các đại biểu tham dự đã nhất trí "nỗ lực hết sức ở cấp trung ương nhằm giảm thiểu mọi tác động tiêu cực của Brexit đối với nền kinh tế Hàn Quốc". Cuộc họp cũng nhất trí tăng cường giám sát thị trường tiền tệ và các dòng vốn đầu tư nước ngoài nhằm ổn định thị trường tài chính và tiền tệ.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết Trung Quốc tôn trọng lựa chọn của người dân Anh, đồng thời hy vọng nước Anh và EU sẽ thảo luận về tiến trình "xứ sở sương mù" rời khỏi liên minh sớm nhất có thể. Bà nhấn mạnh "một châu Âu thịnh vượng và ổn định là mối quan chung của tất cả các bên".

Trước đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về Brexit là bước chuyển biến và còn quá sớm để có thể đánh giá điều này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á và các khu vực khác như thế nào. Nhà lãnh đạo Singapore nhận định kết quả này phản ánh sự lo lắng của người dân Anh về vấn đề nhập cư, sự bức xúc khi phải thương lượng và thích ứng với các đối tác châu Âu, cũng như nguyện vọng lấy lại bản sắc và chủ quyền. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng trên thực tế, xu hướng từ bỏ và quay lưng của một số nước sẽ dẫn đến sự suy giảm về an ninh, thịnh vượng và tương lai mơ hồ hơn.

Còn Thủ tướng Malaysia Najib Razak đánh giá Brexit là sự kiện mang tính lịch sự và chưa có tiền lệ. Sau khi cho rằng một thời kỳ bất ổn của thị trường tài chính sẽ xảy ra, ông cho biết Malaysia sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và thận trọng trước bất kỳ nguy cơ mới về kinh tế nào. Tuy nhiên, ông nhận định sự kiện Brexit sẽ không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Malaysia.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cũng cho rằng ảnh hưởng của Brexit đối với nước này sẽ hạn chế, song Jakarta sẽ theo dõi chặt chẽ tác động đến các thỏa thuận song phương của Indonesia với nước Anh và EU.

Bộ trưởng Tài chính Philippines Cesar Purisima nhấn mạnh hậu quả trước mắt của việc nước Anh rời EU sẽ là sự rối loạn thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia ở các mức độ khác nhau và nêu rõ trong ngắn hạn, sẽ có những phản ứng cảm tính trước những nguy cơ và bất ổn ngày càng tăng trên thị trường tài chính toàn cầu.


Tuy nhiên, ngân hàng Credit Suisse đánh giá ảnh hưởng trực tiếp của việc nước Anh rút khỏi EU là rất hạn chế do xuất khẩu của châu Á vào thị trường Anh không đáng kể. Theo cơ quan trên, trong số các nền kinh tế châu Á thì Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Xuất khẩu của Singapore vào nước Anh chiếm 2% GDP, cao hơn các nền kinh tế khác trong khu vực. Hong Kong và Singapore xuất khẩu chủ yếu là dịch vụ sang nước Anh, trong khi Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng hóa. Các chuyên gia kinh tế thuộc Credit Suisse nhận định rằng các lĩnh vực liên quan đến hàng hóa và chế biến xuất khẩu dễ bị tổn thương hơn cả.

Ở góc độ vĩ mô, tác động của Brexit đến các nền kinh tế châu Á có thể tăng gấp 2 hoặc 3 lần, trong đó Singapore và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do thị phần xuất khẩu của hai nước này vào thị trường EU chiếm từ 6% đến 7% GDP. Các dòng vốn sẽ bị ảnh hưởng, nhưng điều này sẽ không khiến các ngân hàng trung ương châu Á thay đổi chính sách.
 
Hòa-Dũng (TTXVN)
Ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU họp khẩn về Brexit
Ngoại trưởng 6 nước sáng lập EU họp khẩn về Brexit

Chỉ một ngày sau khi có kết quả trưng cầu dân ý tại Anh về quyết định rời Liên minh châu âu (Brexit), ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập của EU sẽ họp khẩn cấp trong ngày 25/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN