Chậm mà chắc, châu Âu giành phần thắng trong cuộc đua tiêm vaccine COVID-19 

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Liên minh châu Âu đã đạt thành công sau khởi đầu đầy trắc trở. 

Chú thích ảnh
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: Xinhua

“Chúng ta đã làm được”, bà Ursula von der Leyen phát biểu trong bài thông điệp hàng năm của Liên minh châu Âu (EU) hồi tuần trước. Với hơn 70% dân số trưởng thành hiện đã tiêm đủ liều vaccine chống lại virus SARS-CoV-2, châu Âu đã vượt qua mọi lời chỉ trích, lọt vào nhóm dẫn đầu thế giới. 

Hơn thế, Chủ tịch EC cho biết EU đã xuất khẩu một nửa vaccine có được: tiêm hơn 700 triệu liều vaccine cho người dân trong khối và chuyển giao số lượng tương đương cho phần còn lại của thế giới. Bà nhấn mạnh EU chính là khu vực đầu tiên đạt được thành tích này. 

Kết quả trên khác xa so với đầu năm nay, khi Mỹ và Anh đang thần tốc tiêm chủng cho người dân của họ, đồng thời viết những bài báo lên án việc triển khai tiêm vaccine chậm chạp của EU là một cuộc khủng hoảng, thảm họa, thất bại…

Tháng 3 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) so sánh chiến dịch của EU với Anh, miêu tả là “chậm chạp không thể chấp nhận nổi”. Đến tận tháng 4, chỉ có 11% dân số khối này được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, trong khi ở Mỹ là 29% và Anh là 46%. Nhưng tuần trước, theo dữ liệu của Our World in Data, cục diện đã đổi khác. 

Chú thích ảnh
Du khách xuất trình chứng nhận số về COVID-19 của Liên minh châu Âu cấp khi vào thăm quan viện bảo tàng ở Vatican. Italy, ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

9 quốc gia EU, trong đó có Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Pháp, Bỉ và Italy, hiện đã đạt tỷ lệ tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine COVID-19 cao hơn Anh. Và 5 quốc gia thành viên EU khác đạt thành công hơn Mỹ. 

Theo nhận định của tờ Guardian, những lời chỉ trích ban đầu không phải thiếu chính đáng. Do vấp phải những trở ngại và thiếu vaccine, EU đơn thuần là bị chậm chạp trong việc cùng nhau hành động. Bảo vệ sức khỏe luôn là trách nhiệm của mọi quốc gia thành viên.

Tháng 6/2020, 27 nước EU đã phê duyệt kế hoạch mua vaccine tập thể của EU, giải thể liên minh vaccine do Pháp và Đức khởi xướng nhằm tránh tình trạng các nước thành viên cạnh tranh với nhau, và cả các nền kinh tế lớn nhất đang thiếu nguồn cung.

Tuy nhiên, không có kinh nghiệm mua sắm liên quan, EC đã mở đàm phán với các nhà sản xuất như đàm phán thương mại, ưu tiên giá cả hơn thời hạn giao hàng. Do vậy, một số hợp đồng được ký kết chậm hơn nhiều tháng so với bên mua khác. 

Cơ quan quản lý của EU đã chọn một quy trình phê duyệt kỹ lưỡng hơn, nhưng kéo dài hơn. Sau đó, hãng AstraZeneca – đơn vị mà EU đặt hàng 300 triệu liều trong hai quý đầu năm 2021 – chỉ cung cấp được số lượng nhỏ, dẫn đến một vụ kiện đình đám.

Tiếp đến, hiện tượng cục máu đông hiếm gặp đã khiến 13 nước EU quyết định dừng tiêm vaccine của AstraZeneca, làm giảm niềm tin của công chúng vào chương trình tiêm chủng chính đã được lên kế hoạch của EU. Một số quốc gia từ đó chỉ cho phép tiêm vaccine ở các nhóm tuổi lớn hơn. 

Tuy nhiên, đến đầu mùa hè, mọi thứ đã thay đổi. Vào giữa tháng 4, ủy ban đã mở các cuộc đàm phán về đơn đặt hàng mới vaccine Pfizer/BioNTech, cuối cùng là ký kết thỏa thuận cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine cho đến năm 2023. Đến tháng 5 và tháng 6, châu Âu tràn ngập vaccine Pfizer/BioNTech.

Chú thích ảnh
 Du khách trình chứng nhận an toàn về COVID-19 khi thăm quan Đấu trường La Mã tại Rome, Italy ngày 6/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thành công này không diễn ra khắp khối: các quốc gia nghèo hơn như Romania và Bulgaria vẫn đang gặp khó khăn, khi chỉ có 27% và 16% dân số được tiêm chủng.

Nhưng nhìn chung, các quyết định của châu Âu đang mang lại hiệu quả. “Hộ chiếu xanh” của khối – cung cấp bằng chứng về việc tiêm phòng, hồi phục hoặc xét nghiệm âm tính - đã cho phép hàng triệu công dân EU đi nghỉ ở nước ngoài vào mùa hè này với ít phiền phức nhất.

Nhiều quốc gia cũng đã mở đợt tiêm liều thứ ba tăng cường. Trên 10 quốc gia đã thông qua thẻ y tế nội địa dùng để đến những nơi công cộng như bảo tàng, phòng tập thể dục, quán cà phê, trung tâm mua sắm và ga xe lửa.

Ngoài việc tăng tỷ lệ tiêm chủng, nhiều quốc gia EU - trái ngược với Vương quốc Anh - đã tiêm mũi vaccine đầu tiên cho 80% trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Như lời các quan chức EU muốn nói, chiến dịch tiêm vaccine là một cuộc chạy marathon thay vì chạy nước rút. Nhưng sau khởi đầu chậm chạp và phải trả giá bằng sinh mạng của con người, cuối cùng thì phương pháp tiếp cận tập thể của EU đã mang lại hiệu quả.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Pháp bị ‘gạt ra rìa’ khi G7 thảo luận về thỏa thuận AUKUS từ tháng 6
Pháp bị ‘gạt ra rìa’ khi G7 thảo luận về thỏa thuận AUKUS từ tháng 6

Theo tờ Sunday Telegraph (Anh), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không hay biết gì về hiệp ước an ninh ba bên Mỹ-Australia-Anh (AUKUS), khi thỏa thuận này được đưa ra thảo luận ở hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN