Ngày 5/6, Ấn Độ đã ra thông báo chính thức cấm sản xuất và bán mỳ ăn liền Maggi của Nestle ở thị trường trong nước sau khi phát hiện sản phẩm này chứa hàm lượng chì cao. Quyết định này đã gây ảnh hưởng tới xã hội của đất nước 1,2 tỷ dân bởi tình cảm đặc biệt với loại thực phẩm đã tạo bước ngoặt này.Các gói mỳ Maggi tại một siêu thị ở Ấn Độ. |
Mỳ tôm Maggi của hãng Nestle có mặt trên thị trường Ấn Độ vào năm 1983 và ngay lập tức đã làm thay đổi trí tưởng tượng của cả quốc gia. Câu chuyện về loại thực phẩm ngon miệng chỉ cần chế biến trong nước sôi trong vòng 2 phút đã tạo ra làn sóng mới trong bữa ăn của các gia đình tại Ấn Độ nơi người dân đã quá quen với các món ăn truyền thống được nấu nướng công phu và cầu kỳ.
Những quảng cáo được chiếu trên truyền hình quốc gia về món “mỳ hai phút” dễ chế biến được coi như một thông điệp về việc giải phóng phụ nữ Ấn Độ khỏi các căn bếp với “bà mẹ Maggi” ân cần chăm sóc con cái và hoàn thành tốt công việc ở cơ quan nhờ món mỳ mới du nhập.
Chiến dịch quảng cáo sản phẩm mỳ Maggi còn tiên phong trong việc nhận diện thay đổi trong tầng lớp phụ nữ trung lưu thành thị tại Ấn Độ.
Và trong 25 năm thâm nhập thị trường Ấn Độ, mỳ tôm Maggi đã tạo ra cuộc cách mạng. Gói mỳ Maggi có giá 12 rupee (khoảng 4.000 đồng) đã trở thành thực phẩm đồng hành của 3 thế hệ người Ấn Độ.
Đến năm 2008, công ty Nestle mở cuộc thi khuyến khích người dân gửi câu chuyện cá nhân của họ gắn liền với mỳ tôm Maggi và ngay lập tức đã có tới 30.000 người tham gia. Điều này là minh chứng về sự gắn bó sâu sắc giữa mỳ Maggi và những khách hàng trung thành tại Ấn Độ.
Hàng năm mỳ Maggi cùng các sản phẩm ăn liền khác đã đóng góp tới 20% doanh thu của Nestle Ấn Độ, vào khoảng 15 tỉ rupee (235 triệu USD). Thậm chí, trong năm 2014, một cuộc điều tra nghiên cứu cho thấy mỳ tôm Maggi là nhãn hiệu thực phẩm được người Ấn Độ tin tưởng nhất.
Khi thông tin Maggi bị cấm sản xuất được lan truyền tại, một phát thanh viên truyền hình nổi tiếng của Ấn Độ đã đăng hình ảnh cô và đồng nghiệp mặt thất thần trước “bát mỳ Maggi cuối cùng” trên trang mạng xã hội cá nhân Facebook và nhận được rất nhiều hưởng ứng. Đây là một trong những ví dụ cho thấy cảm giác trống trải của những người dân Ấn Độ khi phải chia tay với món mỳ đã cùng họ trưởng thành.