Căng thẳng gia tăng tại Thái Lan

Bất chấp việc Thủ tướng Yingluck cố gắng giải tỏa căng thẳng bằng tuyên bố giải tán Hạ viện, người biểu tình ngày 9/12 vẫn khẳng định chỉ giải tán chừng nào một Hội đồng nhân dân theo đề xuất của họ được thành lập.

Người biểu tình tại khu vực tòa nhà chính phủ ở Bangkok ngày 9/12. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Hoàng gia Thái Lan cho biết ngày 9/12, Nhà Vua Bhumibol Adulyadej đã chính thức phê chuẩn quyết định giải tán Hạ viện và tổ chức cuộc bầu cử mới vào ngày 2/2/2014.

Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra sáng 9/12 tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử "ngay khi có thể" nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tuy nhiên, hàng trăm nghìn người biểu tình chống chính phủ từ tất cả các nơi đã đổ dồn về bao vây tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok. Tất cả các tuyến đường xung quanh tòa nhà chật cứng dòng người biểu tình. Dòng người biểu tình thậm chí còn tràn qua hàng rào bê tông để tiếp cận sát cổng chính, nơi rất nhiều binh sĩ đã được triển khai xung quanh để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mặc dù không có ai làm việc bên trong.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố họ sẽ "không về nhà tay không", ám chỉ việc giải tán quốc hội và bầu cử lại theo đề xuất của bà Yingluck là vô nghĩa. Ông khẳng định mọi việc chỉ có ý nghĩa khi chính phủ tạm quyền hiện nay từ chức và một Hội đồng nhân dân được thành lập để thực hiện cải cách chính trị trước khi bầu ra một chính phủ mới.

Trong khi đó, phong trào "Áo đỏ" ủng hộ chính phủ đã quyết định hủy cuộc tuần hành quy mô lớn dự kiến tổ chức tại tỉnh Ayutthaya (giáp với thủ đô Bangkok) vào ngày 10/12. Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD), hay còn gọi là "Áo đỏ", đã đưa ra quyết định trên sau khi Thủ tướng Yingluck giải tán Hạ viện. Đảng Puea Thai (Vì nước Thái) ra tuyên bố nhận định bà Yingluck đã đúng khi giải tán Hạ viện nhằm tránh thương vong. Đảng này cũng kêu gọi Đảng Dân chủ (DP) và các đảng khác tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Trong một động thái liên quan, Tòa án hình sự Thái Lan đã bác bỏ đề nghị bắt giữ 13 thủ lĩnh biểu tình vì cho rằng tình hình sẽ được cải thiện sau khi Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện. Trước đó, cảnh sát đã có đơn đề nghị tòa án ra lệnh bắt giữ 13 thủ lĩnh biểu tình vì tội nổi loạn, tổ chức biểu tình trái phép và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tòa án cho rằng cảnh sát cần điều tra thêm bằng chứng.

Liên quan kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử, Ủy ban bầu cử (EC) của Thái Lan hiện chưa phê chuẩn đề xuất của Chính phủ tổ chức bầu cử vào ngày 2/2/2014. Một thành viên EC, ông Prapun Naigowit cho biết EC sẽ chờ Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn quyết định giải tán Hạ viện trước khi ấn định ngày bầu cử.

Cùng ngày, Quân đội Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi các bên lựa chọn các giải pháp hòa bình giải quyết những xung đột chính trị. Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha cũng đã bác bỏ tin đồn rằng quân đội đã can thiệp vào chính trị dẫn tới quyết định giải tán Hạ viện.


TTXVN/Tin tức

Người biểu tình Thái Lan sẵn sàng dùng vũ lực
Người biểu tình Thái Lan sẵn sàng dùng vũ lực

Ngày 9/12, những người biểu tình ở Thái Lan sẵn sàng dùng vũ lực để mở cổng của Tòa nhà chính phủ. Họ đang đợi lệnh của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN