Chiều 3/1, các quan chức Tòa thị chính Phnom Penh cùng đại diện 6 nghiệp đoàn và Cao ủy liên hợp quốc về nhân quyền tại Campuchia (UNOHCHR) đã tổ chức một cuộc họp kín về các cuộc biểu tình đang diễn ra của công nhân dệt may và da giày. Công nhân dệt biểu tình tại Phnom Penh ngày 2/1. Ảnh: THX-TTXVN |
Người phát ngôn Tòa thị chính Phnom Penh, ông Long Dimanche cho biết những người dự phiên họp đã thảo luận các biện pháp nhằm làm dịu tình hình. Đại diện UNOHCHR, Wan-Hea Lee cho rằng các bên liên quan cần cố gắng tìm ra một giải pháp để hạn chế rủi ro bạo lực.
Tuy nhiên, ông Wan-Hea Lee đánh giá đây mới chỉ là một cuộc thảo luận sơ khởi với các ý tưởng khác nhau, chưa phải là cuộc thảo luận về các biện pháp thực hiện. Trong khi đó, các nghiệp đoàn yêu cầu nhà chức trách thả những người biểu tình bị bắt ngày 2/1 và chấm dứt sử dụng các lực lượng vũ trang chống biểu tình.
Chủ tịch nghiệp đoàn Liên hiệp dệt may độc lập quốc gia Morm Nhim cho rằng cuộc họp không đạt kết quả nào. Trong một diễn biến khác liên quan, một số nhà phân tích chính trị độc lập tại Campuchia ngày 3/1 đã gửi thư cầu xin Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni yêu cầu lãnh đạo Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập gặp nhau thương thảo nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay tại nước này.
Trong thư gửi Quốc vương, ba trí thức có uy tín gồm Tiến sĩ Lao Mong Hay, ông Sok Touch và ông Kem Lee nêu rõ việc các đảng CPP và CNRP không giải quyết các vấn đề chính trị thông qua đàm phán đã dẫn tới bùng phát bạo lực giữa người lao động và lực lượng vũ trang khiến nhiều thường dân thương vong.
Theo quy định của Hiến pháp, với vai trò biểu tượng đoàn kết quốc gia, Quốc vương cần tham gia các cuộc thương thảo của các chính đảng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Campuchia.
Thư gửi Quốc vương được đưa ra trong bối cảnh Campuchia đang đứng trước những nguy cơ bất ổn chính trị và xã hội nghiêm trọng. Đụng độ trong ngày 3/1 giữa lực lượng vũ trang và các công nhân đình công, biểu tình quá khích đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Đồng thời, CNRP đã công bố kế hoạch biểu tình lớn đòi Thủ tướng Hun Sen từ chức và tổ chức lại cuộc bầu cử Quốc hội, trong khi chính quyền tố cáo CNRP kích động bạo lực gây bất ổn xã hội.
Cũng trong ngày 3/1, quân đội đã đưa ra tuyên bố khẳng định cương quyết bảo vệ kết quả bầu cử Quốc hội cũng như Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ 5 của Thủ tướng Hun Sen. Cùng ngày 3/1, trước tình hình bất ổn ở Campuchia, Liên hợp quốc đã ra một tuyên bố kêu gọi chính quyền Campuchia điều tra và xử lý nghiêm vụ lực lượng quân cảnh nổ súng vào công nhân biểu tình gây thương vong, đồng thời yêu cầu tất cả các bên kiềm chế.
TTXVN/Tin tức