Kỷ niệm 35 năm “Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (7/1/1979)”- Bài 1: Kẻ trở mặt

Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam mà người Mỹ gọi là “Chiến tranh Việt Nam” (1954 - 1975), với không gian và quy mô ngày càng được mở rộng theo tính toán chiến lược của Mỹ, đã từng bước lan ra toàn cõi Đông Dương, buộc các lực lượng cách mạng ở cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia phải tham chiến cùng chống lại đội quân xâm lược Mỹ và các lực lượng tay sai bản địa.

 

Trong bối cảnh ấy, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, vốn gắn bó với nhau bằng quan hệ láng giềng truyền thống, lại càng trở nên mật thiết hơn, khi cùng đứng chung một chiến hào chống Mỹ xâm lược, hết lòng giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần cả Đông Dương là một chiến trường. Và đây chính là yếu tố cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định đối với thắng lợi của cách mạng mỗi nước.

 

Chứng tích tội ác dã man của Khơme Đỏ ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN


Mở đầu cho thắng lợi trọn vẹn của các cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và tay sai trên bán đảo Đông Dương là chiến thắng ngày 17/4/1975 của Campuchia, tiếp đó là chiến thắng của Việt Nam ngày 30/4/1975 và của Lào ngày 2/12/1975.


Sau thắng lợi trọn vẹn này, trên cơ sở quan hệ đoàn kết chiến đấu cùng chung chiến hào chống Mỹ xâm lược, nếu như Campuchia tiếp tục có quan hệ hữu nghị với Việt Nam để hai nước không ngừng hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước như giữa Việt Nam và Lào, thì lịch sử quan hệ Việt Nam - Campuchia sau chiến tranh chắc chắn sẽ tốt đẹp hoặc chí ít cũng tránh được một chương bi thảm đầy máu và nước mắt như đã xảy ra...


Cái chương sử bi thảm đầy máu và nước mắt ấy bắt đầu từ sự trở mặt của bè lũ Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan, khi chúng công khai phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, theo một chủ trương bị người khác giật dây, mà lúc đầu chỉ là những cuộc tấn công lấn chiếm lẻ tẻ, nhưng ác độc.


Ngày 3/5/1975, Pol Pot bất ngờ cho quân đổ bộ lên đảo Phú Quốc của Việt Nam với ý đồ đánh chiếm đảo này, nhưng buộc phải rút ngay.


Tiếp đó, ngày 10/5/1975, lính Pol Pot tràn sang đánh chiếm đảo Thổ Chu của Việt Nam, bắt đi và thủ tiêu hơn 500 dân thường.


10 ngày sau, vào ngày 20/5/1975, ban thường vụ trung ương đảng Pol Pot họp, thông qua ba chủ trương lớn, trong đó xác định Việt Nam là “kẻ thù số một, kẻ thù truyền kiếp”.


Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, dẫu cùng chung chiến hào, nhưng có lúc, có nơi binh sĩ Pol Pot đã lén “đâm” những “nhát dao” phản trắc vào lưng một số đơn vị quân tình nguyện Việt Nam chiến đầu trên đất Campuchia. Tuy nhiên, lấy tình hữu nghị giữa hai nước làm trọng và vì mục tiêu chung, Việt Nam ta vẫn cố giữ lấy bạn. Nhưng khi tập đoàn Pol Pot, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn toàn trở mặt, xác định Việt Nam là “kẻ thù số một, kẻ thù truyền kiếp” và tấn công xâm lược Việt Nam, thì không ít người bị bất ngờ.


Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của bè lũ Pol Pot ngày càng ác liệt, với quy mô leo thang ngày càng lớn, mà đỉnh cao là 2 cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Việt Nam. Cuộc tấn công thứ nhất bắt đầu ngày 30/4/1977, đúng vào dịp chúng ta kỷ niệm hai năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, mà chỉ riêng ở An Giang, chúng đã tiến công vào 13/15 xã và 13 đồn biên phòng của ta ở dọc biên giới, giết hại 758 người, đốt phá hơn 100 nóc nhà. Cuộc tấn công thứ hai diễn ra từ ngày 21/12/1978, với sự tham chiến của 10 sư đoàn lính Pol Pot, với mục tiêu chủ yếu là chiếm thị xã Tây Ninh của Việt Nam.


Tấn công xâm lược Việt Nam là tính toán chiến lược của bè lũ Pol Pot. Tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng của chúng diễn ra ngày 1/2/1978, Pol Pot tuyên bố: “Chiến tranh giữa ta và Việt Nam là lâu dài, có tính chất gặm nhấm, ta không đánh nó trước thì sẽ không thắng”... “chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài vạn thì có thể đánh 10, 15, 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam”, “phải đưa chiến tranh sang đất nó”.


Trước đó, báo Pháp Le Monde (ra ngày 8/1/1978) đã dẫn lời Pol Pot nói trên đài phát thanh Phnom Penh: “Trong đời tôi, tôi hy vọng giải phóng Sài Gòn”.


Trong các cuộc tấn công xâm lược trên các vùng lãnh thổ dọc theo biên giới Tây Nam của Việt Nam, tính từ tháng 5/1975 đến ngày 23/12/1978, lính Pol Pot đã giết hại hơn 5.000 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người khác. Chúng đã đốt phá hàng ngàn trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, nhà thờ, chùa chiền, giết và cướp hàng ngàn trâu, bò, phá hoại hàng ngàn ha lúa và hoa màu. Hàng vạn ha ruộng đất và đồn điền cao su của chúng ta ở vùng ven biên giới Tây Nam bị bỏ hoang. Nửa triệu dân ta ở sát biên giới phải bỏ nhà, bỏ đất chạy đi lánh nạn.


Như vậy, bè lũ Pol Pot đã lấy oán trả ân.


Quân và dân ta, chưa kịp hưởng trọn niềm vui hòa bình sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975, lại phải lao vào cuộc chiến đấu mới để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của Tổ quốc trên một dải dài biên giới Tây Nam. Chúng ta lại buộc phải cầm súng, khi “người bạn” từng đứng chung chiến hào bất ngờ trở mặt.


Bè lũ Pol Pot không chỉ mù quáng biến bạn thành thù, tấn công xâm lược Việt Nam, mà còn thực thi chủ trương “thanh lọc” để làm “trong sạch” nhân dân Campuchia mà hậu quả là hơn 2 triệu người Campuchia bị giết hại. Vì những sai lầm đó, chúng đã phải trả giá. Quân và dân Việt Nam, thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đã đánh tan đội quân xâm lược Pol Pot đông cả chục sư đoàn. Trong khi đó, nhiều người Campuchia đứng trong hàng ngũ của Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu, khi nhận rõ mối họa diệt chủng đối với dân tộc mình, đã tìm đến Việt Nam để xin được giúp đỡ xây dựng lực lượng, quay về giải phóng quê hương.


Lịch sử có những quy luật khắt khe và công bằng của nó. Nếu bè lũ Pol Pot không phản bội Việt Nam, không biến bạn thành thù, chưa hẳn những người Campuchia nổi dạy chống lại chúng đã tìm sự giúp đỡ từ Việt Nam.


Đúng là nhân nào quả ấy. Chế độ diệt chủng Pol Pot cuối cùng đã bị diệt vong.


Nguyễn Quốc Uy


Bài 2: “Những cánh đồng chết”

Thoát họa diệt chủng
Thoát họa diệt chủng

Việc Pol Pot phản bội, phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam cũng như chủ trương thanh lọc để giết người hàng loạt cùng với chính sách quản lý xã hội cực kỳ hà khắc mà y cho tiến hành ở Campuchia đã làm thức tỉnh rất nhiều người Campuchia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN