Kỷ niệm 35 năm ngày Chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia - Bài 3:

Thoát họa diệt chủng

Việc Pol Pot phản bội, phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam cũng như chủ trương thanh lọc để giết người hàng loạt cùng với chính sách quản lý xã hội cực kỳ hà khắc mà y cho tiến hành ở Campuchia đã làm thức tỉnh rất nhiều người Campuchia.


Lực lượng quân đội tình nguyện Việt Nam phản kích quân Pol Pot.


Ngay từ cuối năm 1975, đầu 1976 đã xuất hiện các nhóm ly khai của các cán bộ, đảng viên cộng sản chân chính, khi họ nhận ra bộ mặt phản đảng hại dân của ban lãnh đạo chóp bu Campuchia Dân chủ, do Pol Pot cầm đầu. Tiếp đó là các cuộc nổi dậy chống lại bè lũ Pol Pot mà điển hình là cuộc nổi dậy ở quân khu miền Đông, dưới sự lãnh đạo của ông So Phim, khi đó là ủy viên Thường vụ Trung ương đảng kiêm Bí thư Khu ủy khu Đông. Nhưng cuộc nổi dậy đã thất bại và ông So Phim phải tự sát.


Tuy vậy, phong trào ly khai và nổi dậy chống Pol Pot mà những người cách mạng Campuchia chân chính chủ trương vẫn tiếp tục phát triển, ngày càng lan rộng, không chỉ ở miền Đông mà ở nhiều địa bàn khác như Đông Nam, Đông Bắc và Tây Nam Campuchia.


Các nhà lãnh đạo Vương quốc Campuchia hiện nay như Samdech Chea Sim, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, Chủ tịch Thượng viện; Samdech Heng Samrin, Chủ tịch danh dự CPP, Chủ tịch Quốc hội; Samdech Hun Sen, Phó Chủ tịch CPP, Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Bou Thang, Thượng nghị sĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Nội vụ và quốc phòng Thượng viện, cùng một số lãnh đạo cao cấp khác của CPP đã nghỉ hưu như ông Say Phouthang và nhiều người khác là hạt nhân nòng cốt của các cuộc nổi dậy nói trên.


Những người chủ trương nổi dạy chống lại chế độ Campuchia Dân chủ coi việc Việt Nam giáng trả đội quân xâm lược Pol Pot là cơ hội tuyệt vời đối với họ.


Thủ tướng Hun Sen kể lại: “Đó không những là một cơ hội bằng vàng, mà còn là cơ hội bằng kim cương đối với tôi, vì các đơn vị mạnh nhất của Pol Pot đã bị bộ đội Việt Nam đánh bại” (trích từ cuốn “Hun Sen: người hùng của Campuchia” của Harish C. Mehta và Julie B. Mehta).


Không hẹn trước, nhưng những người chủ trương nổi dậy đều có chung một hướng là phải tìm sang Việt Nam, nhờ Việt Nam giúp xây dựng lực lượng để tổ chức khởi nghĩa vũ trang lật đổ tập đoàn diệt chủng Pol Pot.


Không kể khoảng 4 vạn người Campuchia chạy sang Việt Nam lánh nạn diệt chủng, số lãnh đạo đảng và chỉ huy quân đội các cấp rời bỏ hàng ngũ Pol Pot tìm sang Việt Nam để mưu đồ sự nghiệp cứu dân cứu nước cũng lên đến cả trăm người, trong đó có các ông Chea Sim, Heng Samrin, Hun Sen, Bou Thang, Sin Song, Soi Keo… Họ là nòng cốt để tập hợp lực lượng, xây dựng các tổ chức chính trị và quân đội cách mạng.


Đoàn 125, do ông Hun Sen làm chỉ huy trưởng, đơn vị tiền thân của các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, được thành lập ngày 12/5/1978 trên đất Việt Nam, là kết quả đầu tiên của một hành trình mà ông Hun Sen đã “đặt cược tính mạng của mình để tiến hành một cuộc đấu tranh”, như lời ông kể sau này, khi ông quyết định bí mật rời Campuchia lúc 21 giờ đêm 20/6/1977 để trốn sang Việt Nam.


Đến tháng 12/1978, Việt Nam đã giúp xây dựng được 22 tiểu đoàn bộ binh và 69 đội công tác thuộc các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia.


Những người chủ trương khởi nghĩa đều có cùng một mục tiêu là lật đổ chế độ Pol Pot để cứu dân tộc Campuchia thoát họa diệt chủng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần phải có một tổ chức chính trị để đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất đối với phong trào nổi dậy.


Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, do ông Heng Samrin làm Chủ tịch và ông Chea Sim làm Phó Chủ tịch, cùng các lực lượng vũ trang của Mặt trận ra mắt ngày 2/12/1978 tại vùng giải phóng Snoul (tỉnh Kratie) đã đáp ứng được yêu cầu đó. Mặt trận công bố cương lĩnh 11 điểm, chủ trương đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, kêu gọi toàn dân Campuchia nổi dậy lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary - Khieu Samphan. Mặt trận cũng chính thức kêu gọi Việt Nam giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.


Hạ tuần tháng 12/1978, tranh thủ thời cơ khi Quân đội nhân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công, đánh bật đội quân xâm lược của Pol Pot ra khỏi biên giới Tây Nam của Việt Nam, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, được sự phối hợp của các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam, sự hiệp lực của các lực lượng nổi dậy tại chỗ và nhân dân các địa phương Campuchia, đã mở nhiều mũi tiến công, đánh chiếm các cứ điểm, các địa bàn trọng yếu của Khmer Đỏ, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.


Đến trưa ngày 7/1/1979, các đơn vị quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, đánh dấu sự cáo chung của chế độ diệt chủng Pol Pot.


Đây là kết cục tất yếu của những tính toán sai lầm và những chính sách tàn ác đến mất hết tính người mà bè lũ Pol Pot đã thực hiện khi tấn công xâm lược Việt Nam và tiến hành cuộc diệt chủng ở Campuchia.


Ngày 7/1/1979 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử Campuchia như một dấu mốc thời gian chói ngời. Đó là ranh giới giữa sự sống và cái chết, không phải sự sống và cái chết của một người, một vài người, mà là sự sống và cái chết của cả một dân tộc.


Một nhà báo Campuchia từng là nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot đã có lần nói: “Phải là người trong cuộc, là người trực tiếp bị đày ải dưới chế độ tàn bạo của Pol Pot, đang chờ đến lượt mình phải chết, thì mới hiểu được giá trị đích thực và ý nghĩa sống còn của ngày lịch sử này (ngày 7/1/1979)”.


Thắng lợi ngày 7/1/1979 còn là thắng lợi của tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là bè lũ diệt chủng Pol Pot.


Vào dịp kỷ niệm ngày lịch sử này năm trước, báo Procheachol - cơ quan trung ương của đảng CPP cầm quyền - đã ra xã luận khẳng định đây là “chiến thắng không thể xóa nhòa trong lịch sử dân tộc và cũng là nền tảng cho những thành tựu ở đất nước này trong suốt 34 năm qua”.


Đúng là chiến thắng ngày 7/1/1979 không thể bị xóa nhòa trong lịch sử Campuchia, vì nhờ chiến thắng này, cả một dân tộc đã thoát họa diệt chủng.

 

Nguyễn Quốc Uy

 

Bài cuối: Hồi sinh và phát triển

­'Những cánh đồng chết'
­'Những cánh đồng chết'

“Những cánh đồng chết” là đầu đề bộ phim truyện nổi tiếng của đạo diễn người Anh Roland Joffé, phát hành năm 1984, dựa trên câu chuyện có thật về những điều khủng khiếp mà hai ký giả - nhà báo Campuchia Dith Pran và nhà báo Mỹ Sydney Schanberg - phải trải qua tại Campuchia thời Khmer Đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN