Kỷ niệm 35 năm 'Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (7/1/1979)'- Bài 2:

­'Những cánh đồng chết'

“Những cánh đồng chết” là đầu đề bộ phim truyện nổi tiếng của đạo diễn người Anh Roland Joffé, phát hành năm 1984, dựa trên câu chuyện có thật về những điều khủng khiếp mà hai ký giả - nhà báo Campuchia Dith Pran và nhà báo Mỹ Sydney Schanberg - phải trải qua tại Campuchia thời Khmer Đỏ.


Đất nước Chùa Tháp, đất nước của nền văn minh Angkor huy hoàng, sau 3 năm 8 tháng 20 ngày, tính từ ngày 17/4/1975, dưới sự cai trị hà khắc của chế độ Campuchia Dân chủ do Pol Pot cầm đầu, đã bị biến thành “những cánh đồng chết”, theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.

 

Những chiếc còng chân tay này bọn Pôn Pốt đã dùng để còng đến chết nhiều người dân Campuchia vô tội.TTXVN


Thống kê của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia - tổ chức được thành lập ngày 2/12/1978 để lãnh đạo nhân dân Campuchia nổi dậy lật đổ chế độ diệt chủng - cho biết: Trong thời gian cầm quyền, bè lũ Pol Pot đã giết hại hơn 2.700.000 người, tức là gần 1/3 dân số Campuchia khi ấy, trong đó có gần 200 nhà văn, nhà báo, 600 bác sĩ, dược sĩ, 18.000 thầy giáo, giáo sư, hơn 10.000 sinh viên, hơn 1.000 nghệ sĩ... . Hơn 1.000 trí thức Campuchia từ nước ngoài về chỉ còn sót lại 85 người. Gần 6.000 trường học, hơn 700 bệnh viện và cơ sở y tế, gần 2.000 ngôi chùa, hơn 100 nhà thờ đạo Thiên chúa và đạo Hồi bị phá hủy, hoặc biến thành nhà kho, trại giam...


Tai họa đổ ập xuống đầu nhân dân Campuchia ngay từ ngày “giải phóng” 17/4/1975. Vào ngày đó, người dân ở thủ đô Phnom Penh và nhiều thành phố, thị xã, chưa kịp vui mừng chào đón hòa bình khi được tin cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai Lon Nol đã kết thúc thắng lợi, thì bị lính Khmer Đỏ lùa về nông thôn, nơi họ sẽ bị thanh lọc để hoặc là bị giam cầm, tra tấn và hành quyết hoặc là bị dồn vào các “công xã nhân dân” mà thực chất là các trại tập trung lao động khổ sai.


Cuộc di dân tàn độc này không chỉ làm li tán các gia đình mà còn làm hàng chục nghìn người bị chết ngay trên đường đi.


Hội nghị Ban thường vụ Trung ương đảng Pol Pot họp ngày 15/10/1975 nhận định: “Đường lối di dân của chúng ta là quan trọng nhất sau ngày 17/4/1975. Làm việc này, chúng ta thủ tiêu được mọi lực lượng chống đối, làm chủ đất nước 100%”.


Trước đó, vào ngày 20/5/1975, ban thường vụ này cũng đã thông qua ba chủ trương lớn là “làm trong sạch nội bộ nhân dân”, xác định Việt Nam là “kẻ thù số một, kẻ thù truyền kiếp” và “xây dựng xã hội mới của Campuchia: không chợ, không tiền, không trường học, không trí thức, không tôn giáo, không đô thị.”


Báo hiệu cho chủ trương xây dựng một xã hội mới theo mô hình kỳ quái trên đây, ngay trong tháng 5/1975, một khối thuốc nổ lớn đã phá sập tòa nhà Ngân hàng quốc gia Campuchia. Pol Pot hãnh diện tuyên bố: “Đây là tiếng súng đại bác tiến công vào dinh lũy đồng tiền”.


Pol Pot còn khẳng định rằng năm 1975 (năm Khmer Đỏ bắt đầu cầm quyền) là “năm zero” và xã hội Campuchia sẽ được “lọc sạch”.


Để “lọc” xã hội, Khmer Đỏ đã tiến hành phân loại dân cư. Bác sĩ, luật sư, giáo viên và trí thức nói chung, những người giàu có, sư sãi, cảnh sát, binh lính, sĩ quan và viên chức chính phủ của chế độ Lon Nol đều bị coi là “tàn dư của xã hội cũ” và “phải bị quét sạch”. Dân thành thị bị coi là “dân mới” (để phân biệt với “dân cũ” sống ở các vùng nông thôn do Khmer Đỏ kiểm soát trong thời kỳ chiến tranh). “Dân mới”, theo quan điểm của Khmer Đỏ, là những người “không ủng hộ” hoặc “không đồng tình” với “cuộc kháng chiến” của chúng. Đối với những người này, phương châm của Khơme Đỏ là “giữ mày lại cũng chẳng lợi gì mà giết mày cũng chẳng thiệt gì”.


Nhiều nhân chứng từng kể lại rằng nhằm tiết kiệm đạn và đỡ mất công, Khmer Đỏ đã dồn các cựu sĩ quan và binh lính của chế độ Lon Nol cùng vợ con họ vào những bãi mìn để “quét sạch” họ.


Ngay cả những người trong hàng ngũ Khmer Đỏ, thậm chí cả cán bộ cao cấp như ủy viên Thường vụ Trung ương đảng hoặc bộ trưởng, nếu bị nghi ngờ về lòng trung thành với chế độ, sẽ bị gán tội làm “gián điệp” cho CIA hoặc “tay sai” cho Việt Nam hoặc bị quy chung chung là “địch” và với tội này, chắc chắn phải chết - hoặc là bị hành quyết, hoặc là bị giam cầm, tra tấn đến chết, hoặc là phải tự sát. Von Veth, ủy viên Thường vụ Trung ương kiêm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế; So Phim, ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Khu ủy khu Đông, Phó Chủ tịch thứ nhất Đoàn chủ tịch nhà nước Campuchia Dân chủ; Nhim Ros, ủy viên Thường vụ Trung ương, Bí thư Khu ủy khu Tây Bắc, Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch nhà nước Campuchia Dân chủ; Hou Nim, Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền... là những trường hợp như vậy.


Trong thực tế, không chỉ các “tàn dư của xã hội cũ”, “dân mới” và những người bị liệt vào danh sách bất trung với chế độ bị giam cầm, tra tấn và hành quyết mà bất cứ ai không tuân theo mệnh lệnh của “Angkar” (tổ chức) đều có thể bị giết.


Bên cạnh đó, còn rất nhiều người bị chết vì đói, vì kiệt sức do lao động khổ sai hoặc vì bệnh tật do không được chăm sóc y tế.


Thật khó có thể thống kê đầy đủ các cách thức giết người man rợ của bè lũ Pol Pot. Tuy nhiên, theo các nhân chứng kể lại, cách thông thường nhất là dùng rìu hoặc cuốc bổ vào đầu nạn nhân. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân bị trói chặt chân tay, còn đầu thì bị lính Pol Pot chùm kín bằng một bao nilon và sẽ chết vì tắc thở. Một cách khác, như Kaing Guek Eav, cựu trưởng trại giam S - 21 (nhà tù Toul Sleng), kể với phóng viên tạp chí Kinh tế Viễn Đông năm 1999, là “chúng tôi đã giết họ (những người tù ở Toul Sleng) không tốn một viên đạn, thường là cắt cổ”.

Vừa nói y vừa đưa bàn tay cưa ngang cổ mình để diễn tả, rồi kể tiếp một cách lạnh lùng: “Chúng tôi giết họ như giết gà”. Song ghê rợn nhất là các trường hợp trẻ em bị lính Pol Pot cầm chân rồi đập đầu vào một thân cây. Ở khu trưng bày tội ác diệt chủng Choeung Ek (quận Dang Kor, tỉnh Kandal), cách Phnom Penh hơn 20 km, nơi phát hiện nhiều hố chôn người tập thể, hiện vẫn còn một cây khá lớn, cỡ vòng tay một người lớn ôm không xuể, tiếng Khmer gọi là cây Chankiri, mà trước đây lính Pol Pot dùng để đập chết trẻ con. Người ta gọi nó là “cây giết người”.


Hậu quả của chủ trương thanh lọc xã hội và đầy đọa con người cùng với những chính sách sai lầm về phát triển kinh tế của bè lũ Pol Pot đã đẩy Campuchia gần như bị lùi sâu vào quá khứ hoang sơ.


Nếu không có các lực lượng cách mạng Campuchia chân chính, được sự giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của Việt Nam, vùng lên lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, Campuchia có thể đã vĩnh viễn là “những cánh đồng chết”.



Nguyễn Quốc Uy


Bài 3: Thoát họa diệt chủng

Thoát họa diệt chủng
Thoát họa diệt chủng

Việc Pol Pot phản bội, phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam cũng như chủ trương thanh lọc để giết người hàng loạt cùng với chính sách quản lý xã hội cực kỳ hà khắc mà y cho tiến hành ở Campuchia đã làm thức tỉnh rất nhiều người Campuchia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN