Các tàu chở dầu đang dùng chiêu ‘biến mất’ khi vào Eo biển Hormuz

Các chủ tàu chở dầu vừa tìm ra một cách để giảm thiểu rủi ro khi đi vào Eo biển Hormuz - nút thắt cổ chai quan trọng nhất thế giới và gần đây còn là nguy hiểm nhất: biến mất khỏi hệ thống theo dõi toàn cầu. 

Hãng tin Bloomberg trích dẫn số liệu theo dõi hải trình của Iran cho hay ít nhất 20 tàu đã tắt thiết bị nhận và phát tín hiệu trong lúc di chuyển qua eo biển trên Vịnh Ba Tư trong tháng 7. Một số khác dường như đã sửa lại hành trình khi tiến vào Vịnh Ba Tư, cụ thể là chạy gần hơn bình thường về phía bờ biển của Saudi Arabia để đến các bến cảng ở Kuwait hoặc Iraq.  

Trước khi xảy ra leo thang căng thẳng với Iran, tàu thuyền đã nhất quán hơn trong việc báo hiệu vị trí của họ lúc đi qua tuyến hàng hải xử lý 1/3 lượng dầu vận chuyển theo đường biển của thế giới. 

Chú thích ảnh
Tín hiệu của nhiều tàu thương mại đã bị tắt sau khi đi vào Vịnh Ba Tư. Ảnh: Bloomberg

Một khi đã vào Vịnh Ba Tư theo hải trình định sẵn, tàu sẽ chạy khá gần bờ biển Iran, đi qua mỏ khí đốt South Pars/North ở ngoài khơi do Iran và Qatar cùng khai thác. Hầu hết tàu thuyền vẫn tuân thủ việc bật tín hiệu, nhưng số tàu lách luật cũng ngày càng tăng lên. 

Không quá ngạc nhiên khi tàu thuyền đang thử mọi cách có thể để tránh rủi ro. Từ tháng 5 vừa qua, vùng vịnh này đã chứng kiến loạt vụ tấn công, bắt giữ tàu chở dầu và bắn rơi máy bay không người lái. Tất cả đều nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ hòng làm tê liệt Iran. Bảo hiểm rủi ro chiến tranh đã tăng vọt đối với những chủ tàu thương mại đang tìm cách chở hàng qua khu vực này. 

Hai tàu chiến của Anh đang neo đậu trong vùng biển quanh Hormuz, nơi chúng sẽ làm nhiệm vụ hộ tống tàu của nước này đi qua “điểm nóng”. Hạm đội số 5 của Mỹ cũng thường xuyên hoạt động tại khu vực này. Ngày 31/8, Cục Hàng hải Na Uy đã khuyến cáo tàu thương mại treo cờ nước này hạn chế tối đa việc di chuyển trong vùng lãnh hải của Iran. Các thuyền trưởng vì lẽ đó ngày càng lo lắng về mối nguy cơ bị mắc kẹt trong xung đột. 

Ít nhất 12 tàu nạp hàng hóa tại Saudi Arabia đã tắt thiết bị phát tín hiệu khi đi qua eo biển này vào tháng trước. Điển hình là siêu tàu chở dầu Kahla, tắt tín hiệu ngày 20/7 trước khi đi vào vùng biển chật hẹp. Nó đã phát tín hiệu trở lại hai ngày sau đó ở đầu bên kia của eo biển. 

Tương tự, ít nhất 8 tàu hàng bốc dỡ tại Iraq và Kuwait cũng đột ngột “biến mất” trong khi rời khỏi Hormuz. Một tàu hàng đi từ Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng làm như trên để hạn chế rủi ro. 

Chú thích ảnh
Một tàu chở dầu tiến về Eo biển Hormuz ở ngoài khơi bờ biển Khasab, Oman. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc tàu thuyền tắt hệ thống tín hiệu xảy ra trùng khớp với hàng loạt vụ rắc rối trong khu vực. Ngày 11/7, Hải quân Hoàng gia Anh đã can thiệp để ngăn Iran chặn đầu một tàu chở dầu của BP Plc. Ba ngày sau đó, Iran đã bắt một tàu treo cờ Panama. Ngày 19/7, các lực lượng của Iran lại bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh để trả đũa hành động tương tự của giới chức Anh. Tới nay, tàu Stena Impero vẫn chưa được thả tự do. 

Tàu thuyền chọn cách “biến mất” để tránh những con mắt săm soi. Tàu của Tehran được cho là đã sử dụng biện pháp này nhiều năm nay để lách luật trừng phạt. Tàu chở dầu thường tắt tín hiệu khi lượn quanh Bán đảo Arab, gần Yemen. Việc này không khiến chúng trở nên “vô hình” hay thoát khỏi màn hình radar, mặc dù nó khiến việc theo dõi hoạt động của trở nên khó khăn hơn.  

Ngoài việc tắt tín hiệu, các tàu thuyền cũng bắt đầu né tránh đi vào Hormuz khi vùng eo biển này ngày càng ẩn chức nguy hiểm. Các tàu chở dầu treo cờ Anh thay đổi lộ trình. Hãng BP không còn đưa tàu và thủy thủ đoàn qua eo biển này nữa. Một số chủ tàu thương mại cũng tránh điều tàu đến vùng trung tâm tiếp liệu chính của Trung Đông – Fujairah - ở phía Đông UAE do lo sợ an toàn.

Al Riqqa, Dar Salwa và Al Funtas nằm trong những số tàu bẻ lái gần về phía Saudi Arabia khi đi qua Vịnh Ba Tư để đến Kuwait hồi đầu tháng 7. Ngoài ra, ít nhất 4 tàu gồm Jaladi, Wafrah, Ghazal và Safaniyah đã chọn cách chạy gần phía UAE trong lúc vượt Eo biển Hormuz. Không rõ sự thay đổi lộ trình khác thường này có phải là một biện pháp để đối phó với tình trạng căng thẳng leo thang hay không, hay vì lý do khác.  

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Khủng hoảng Eo biển Hormuz phơi bày mắt xích lỏng lẻo của liên minh Mỹ
Khủng hoảng Eo biển Hormuz phơi bày mắt xích lỏng lẻo của liên minh Mỹ

Đức không tham gia liên minh tuần tra của Mỹ đề xuất tại Eo biển Hormuz trên Vịnh Ba Tư, trong khi Pháp vẫn do dự và mới chỉ có nước Anh là đồng ý. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN