Các quốc gia châu Á đang đối phó với biến thể Omicron như thế nào?

Dù đã nỗ lực “lập rào chắn” ngăn chặn Omicron khi biến thể này hoành hành ở các khu vực khác trên thế giới, nhưng nhiều quốc gia châu Á đã không thể tránh khỏi làn sóng lây nhiễm và đang đứng trước nguy cơ gia tăng mạnh số ca nhiễm.

Chú thích ảnh
Một trung tâm mua sắm ở Yokohama, gần Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, các quy định như xét nghiệm đại trà, cách ly nghiêm ngặt đối với những người đến từ vùng có dịch, bắt buộc đeo khẩu trang rộng rãi, đã giúp các quốc gia châu Á làm chậm nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập. Sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào mùa thu, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, đã nhanh chóng khôi phục các biện pháp hạn chế nhập cảnh và cách ly trong những tuần gần đây. Nhưng các ca mắc đang có dấu hiệu gia tăng tại khu vực này và các chuyên gia cho rằng vài tháng tới sẽ là thời điểm Omicron lây lan mạnh mẽ.

Tiến sĩ Shigeru Omi, cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản, nhận định: “Khi Omicron tăng tốc, biến thể này sẽ lây lan vô cùng nhanh chóng”.

Chú thích ảnh
Khu chợ cuối tuần ở Jammu, Ấn Độ. Ảnh: AP

Tại Ấn Độ, quốc gia đang trở lại bình thường sau đợt bùng phát COVID-19 tàn khốc hồi đầu năm, Omicron một lần nữa làm dấy lên nỗi sợ hãi. Tính đến nay, đất nước 1,4 tỷ dân đã ghi nhận trên 700 ca nhiễm biến thể mới. Thủ đô New Delhi đã cấm tụ tập đông người vào dịp Giáng sinh và Năm mới. Nhiều bang khác cũng đã công bố các quy định mới, bao gồm lệnh giới nghiêm và yêu cầu người dân nhanh chóng đi tiêm vaccine COVID-19.

Tại khu chợ Chandni Chowk đông đúc ở New Delhi, có rất nhiều người đi mua sắm mà không đeo khẩu trang. Người lái xích lô Mahesh Kumar cho biết anh lo lắng họ sẽ làm lây lan dịch bệnh. Anh nói: “Có rất nhiều người không tin vào căn bệnh này. Họ nghĩ rằng nó không tồn tại. Nhưng tôi rất sợ. Tôi còn các con và một gia đình. Nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, ai sẽ chăm sóc họ?”.

Australia đã phải trải qua nhiều đợt bùng dịch COVID-19. Một giới chức bang hôm 29/12 cho biết “Omicron đang lây lan quá nhanh”. Ở những quốc gia khác, Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm Omicron cao nhất, với 700 ca. Hàn Quốc báo cáo 500 ca và Nhật Bản có 300 ca. Trung Quốc, quốc gia có chiến lược kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt nhất trên thế giới, đã ghi nhận ít nhất 8 trường hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho một bệnh nhân COVID-19 ở Manila, Philippines. Ảnh: AP

Philippines mới ghi nhận 4 ca nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, trước dịp lễ Giáng sinh, người dân đã đổ xô đến các trung tâm mua sắm và tham dự các nghi thức Thánh lễ Công giáo lớn. Một số bệnh viện đã bắt đầu tháo dỡ các trung tâm điều trị COVID-19. Các chuyên gia cho rằng động thái này có thể là quá sớm.

Nhật Bản đã ngăn chặn được làn sóng Omicron xâm nhập vào nước này trong khoảng một tháng sau khi biến thể mới được phát hiện ở Nam Phi, phần lớn nhờ vào việc tái áp đặt các biện pháp cấm nhập cảnh, xét nghiệm COVID-19 bắt buộc đối với tất cả những người đến từ vùng có dịch. Giới chức cũng yêu cầu tất cả hành khách đi chung chuyến bay với người có kết quả xét nghiệm dương tính với Omicron phải cách ly.

Tuy nhiên, rào chắn này đã bị phá bỏ vào tuần trước, khi các ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được xác nhận ở các thành phố Osaka và Kyoto. Giới chuyên gia đang thúc giục chính phủ chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh mới sắp xảy ra bằng cách tăng cường xét nghiệm, đẩy mạnh các tiêm mũi tăng cường và bổ sung giường tại các bệnh viện.

“Chúng tôi hy vọng các ca nhiễm Omicron có thể nhẹ, nhưng tốc độ lây nhiễm nhanh của biến thể này có thể khiến các ca mắc nhân lên nhanh chóng và các bệnh viện trở nên quá tải”, Tiến sĩ Omi nói.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang trên khu phố ở Tokyo. Ảnh: AP

Đài Loan (Trung Quốc), nơi việc đeo khẩu trang rất phổ biến ở các thành phố lớn, đã bắt đầu triển khai tiêm mũi nhắc lại và đang kêu gọi người dân đi tiêm mũi thứ 3 trước khi ​​trở về quê vào dịp Tết Nguyên đán.

Giới chức Thái Lan tin rằng các biện pháp y tế nghiêm ngặt, tiêm chủng rộng rãi và sự hợp tác từ công chúng, bao gồm việc tuân thủ nghiêm túc các quy tắc giãn cách xã hội, sẽ quyết định sự thành công của cuộc chiến chống lại biến thể Omicron. Nước này đang phân phối mũi vaccine tăng cường cho người dân.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP

Indonesia cũng đang triển khai tiêm mũi thứ 3 cho các nhân viên y tế và chính phủ đang lên kế hoạch tiêm vaccine tăng cường cho người dân vào tháng 1. Nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng các mũi tiêm nhắc lại của vaccine Pfizer, AstraZeneca và Moderna vẫn có khả năng bảo vệ trước Omicron.

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang, ngồi giãn cách trong đoàn tàu rời ga xe lửa ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP

Tại Trung Quốc, chiến lược đối phó với virus, dù là Omicron hay bất kỳ biến thể nào khác, là cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Quốc gia này dường như ngày càng cứng rắn hơn với cách tiếp cận “zero COVID” khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh đang đến gần. Vào tuần trước, giới chức đã phong toả Tây An trong bối cảnh đợt bùng phát mới đã lây nhiễm cho hàng trăm người ở thành phố 13 triệu dân. Theo đó, người dân không được phép ra khỏi nhà trừ khi thực sự cần thiết và nhân viên y tế đã tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ người dân trên toàn thành phố. Trung Quốc cũng yêu cầu những người đến từ nước ngoài phải cách ly trong nhiều tuần. Tuỳ vào từng khu vực, song thời gian cách ly thường là 3 tuần.

Chú thích ảnh
Cửa hàng bánh bao ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Để ngăn chặn biến thể Omicron, Chính phủ Hàn Quốc trong tháng này đã khôi phục các quy định nghiêm ngặt nhất. Hiện nước này đang giới hạn mức tụ tập riêng tư tối đa 4 người và áp đặt giờ giới nghiêm 9 giờ tối đối với các nhà hàng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế cầm biển chỉ dẫn xét nghiệm COVID-19 ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP

Jaehun Jung, giáo sư tại Đại học Y khoa Gachon, Hàn Quốc cho biết: “Omicron có tốc độ lây nhiễm cao đến mức hiển nhiên rằng nó sẽ trở thành biến thể thống trị ở Hàn Quốc vào một thời điểm nào đó”.

Hải Vân/Báo Tin tức
WHO cảnh báo Omicron và Delta phối hợp gây ra 'cơn sóng thần' các ca mắc mới COVID-19
WHO cảnh báo Omicron và Delta phối hợp gây ra 'cơn sóng thần' các ca mắc mới COVID-19

Ngày 29/12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo "một cơn sóng thần" các ca mắc mới COVID-19 đang ập đến khi các biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2 cùng lây lan nhanh chóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN