Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong thông báo ngày 18/1, Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) nêu rõ việc xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt cá, vốn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của khu vực này khi đây là nơi cung cấp tới 50% số cá ngừ trên thế giới.
Tổng Thư ký PIF Henry Puna khẳng định: “PIF kiên định rằng sẽ không có vụ xả nước thải nào cho đến khi tất cả các bên khẳng định hoạt động này là an toàn. Chúng ta phải ngăn chặn những nguy cơ có thể dẫn tới một thảm họa ô nhiễm hạt nhân lớn khác”. Ông cho biết Ban thư ký PIF đang làm việc chặt chẽ với Nhật Bản và công ty năng lượng TEPCO điều hành nhà máy điện nói trên về vấn đề này.
Trong khi đó, nhà khoa học Ken Buesseler thuộc Viện Hải dương học Woods Hole cho biết một hội đồng chuyên gia khoa học của PIF đang hối thúc Chính phủ Nhật Bản xem xét lại kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển. Ông cho rằng: “Chất phóng xạ có thể di chuyển khắp đại dương theo dòng hải lưu và thủy triều, đồng thời có thể gây ô nhiễm môi trường sống của các loài cá.
Lời kêu gọi của PIF được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản ngày 13/1 thông báo sẽ bắt đầu xả ra biển nước thải có chứa chất phóng xạ đã qua xử lý ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 vào khoảng mùa Xuân hoặc mùa Hè năm nay. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ cho các ngư dân vốn lo ngại rằng việc xả thải có thể tác động tiêu cực tới hoạt động tiêu thụ hải sản đánh bắt được - thông qua một quỹ trị giá 50 tỷ yen (khoảng 385 triệu USD).
Để đảm bảo việc xả thải phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và không đe dọa sức khỏe người dân cũng như môi trường, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tiến hành nhiều đợt rà soát độ an toàn của kế hoạch này. IAEA dự kiến sẽ công bố báo cáo toàn diện về đợt rà soát đồng thời sẽ cung cấp sự hỗ trợ cho Nhật Bản trước, trong và sau quá trình xả thải. Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng liên quan, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nêu rõ chính phủ muốn giải thích thấu đáo về các biện pháp nêu trên cho các cộng đồng ngư nghiệp và các bên liên quan khác đồng thời lắng nghe phản ứng từ những bên này.
Tháng 3/2011, một trận động đất mạnh có độ lớn 9 đi kèm các con sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản, đồng thời gây ra hàng loạt sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Sau thảm họa, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - chủ sở hữu của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 - vẫn phải sử dụng nước để làm nguội các thanh nhiên liệu đã bị tan chảy ở nhà máy này. Cùng với nước mưa và nước ngầm tích tụ ở khu vực xung quanh nhà máy, nước thải sau khi được sử dụng để làm mát các thanh nhiên liệu được xử lý bằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến để loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ.
Tuy nhiên, hệ thống này không thể loại bỏ hoàn toàn chất phóng xạ tritium trong nước thải. Hiện nay, nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý được TEPCO lưu giữ trong các thùng chứa ở khu vực xung quanh nhà máy do nước thải ngày càng nhiều nên phát sinh nguy cơ không còn đủ chỗ chứa. Trong bối cảnh đó, tháng 4/2021, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định bắt đầu xả nước thải có chứa phóng xạ đã qua xử lý tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển trong khoảng 2 năm sau đó. Tháng 8/2022, TEPCO đã bắt đầu xây dựng hệ thống xả thải, nhưng việc hoàn thành hệ thống này có thể sẽ chậm hơn tùy thuộc vào tình hình biển và thời tiết.