Theo kênh RT, các nhà dịch tễ học tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh dịch Quốc gia tại thủ đô Moskva đã tự tiêm vắc-xin vào cơ thể mình và kiểm tra kết quả. Kết quả thí nghiệm cho thấy những người tham gia đã hình thành kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 mà không gây ra phản ứng phụ.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Alexander Ginzburg trả lời hãng thông tấn TASS: “Chúng tôi sẽ coi đây là thành công nếu nhận được sự cho phép từ các Bộ Y tế và tiến hành thử nghiệm chính thức”.
Theo ông Ginzburg, các nhà khoa học lựa chọn phương án tự thử nghiệm vắc-xin không chỉ để chứng minh tính hiệu quả của loại thuốc này mà đây còn là cách bảo vệ bản thân các nhà nghiên cứu trước virus SARS-CoV-2 do họ tin rằng cơ thể sẽ trở nên miễn dịch và giúp họ tiếp tục công việc trong suốt mùa dịch. Giám đốc Ginzburg không nói rõ tổng cộng có bao nhiều nhà nghiên cứu đã tiêm vắc-xin song miêu tả họ đang hoàn toàn “khỏe mạnh và vui vẻ”.
Ông Ginzburg tin rằng phải mất 6 tháng để toàn bộ người dân Nga có thể sử dụng vắc-xin này một khi nó được cấp phép. Nếu như mọi thứ diễn biến theo kế hoạch, ông hy vọng cuối hè năm nay vắc-xin sẽ được phê duyệt. Theo ông, nhóm đối tượng đầu tiên được tiếp cận vắc-xin nên là những y bác sĩ trên tuyến đầu cuộc chiến chống COVID-19 và người cao tuổi.
Ngày 21/5, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko phát biểu trên kênh truyền hình Russia 1 rằng “việc phổ biến vắc-xin có thể xuất hiện vào cuối tháng 7”. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết quốc gia này đang phát triển khoảng 47 loại vắc-xin khác nhau.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc công ty công nghệ sinh học Biocad của Nga, Dmitry Morozov cho biết các loại vắc-xin chống virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn hiệu quả dù cho chủng virus này có biến đổi. Phát biểu với hãng tin Sputnik của Nga, ông Morozov cho biết: "Tôi không cho rằng loại virus đó (SARS-CoV-2) biến đổi theo một cách mà virus cũ và mới trở nên vô cùng khác biệt. Dù sao, ở một số khu vực virus đang biến đổi, ở một vài nơi khác thì lại không. Nỗ lực của tất cả các công ty và tổ chức đang tập trung vào việc tạo ra một loại vaccine chống lại các thành phần lây nhiễm của virus. Dù cho nó có biến đổi 2 hay 3 lần, các thành phần không đổi sẽ vẫn như cũ và vaccine sẽ phát huy hiệu quả".
Hiện 9 loại vắc-xin thử nghiệm chống virus SARS-CoV-2 của Nga nằm trong danh sách dự thảo 70 liệu pháp chữa trị tiềm năng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Biocad hiện đang góp mặt tại 3 trong số các dự án đó, với vai trò là nhà sản xuất hoặc đối tác.
Theo số liệu thống kê trên trang Worldometers, tính đến rạng sáng 24/5, Nga ghi nhận tổng cộng 335.882 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.388 người tử vong. Phát biểu ngày 22/5 tại cuộc họp về tình hình vệ sinh - dịch tễ tại Nga, lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Rospotrebnadzor) Anna Popova khẳng định tình hình lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Nga đã qua giai đoạn đỉnh điểm và có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, lãnh đạo Rospotrebnadzor khuyến cáo cần tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các yêu cầu vệ sinh phòng chống dịch bệnh COVID-19.