Giáo sư Keith Pardee tại Đại học Toronto (Canada) nhận định với tờ Aljazeera: “Tình trạng thiếu xét nghiệm là vấn đề dẫn tới cách ly và hạn chế đi lại”.
Ông Pardee cho biết đã chứng kiến tình trạng tương tự trong dịch Ebola ở Tây Phi và Zika tại Brazil. Đó là lý do ông Pardee đặt hy vọng và hệ thống “phòng thí nghiệm trong hộp” do nhóm nghiên cứu của giáo sư này phát triển.
Giáo sư Pardee nói: “Bạn có thể chuyển chiếc hộp này tới bất cứ đâu”. Thiết bị này được cho có thể thực hiện xét nghiệm cho hàng ngàn mẫu bệnh phẩm nhanh chóng.
“Phòng thí nghiệm trong hộp” xét nghiệm được 384 bệnh nhân mỗi lần và đáp ứng được việc xét nghiệm tại nơi xa xôi hẻo lánh. Giáo sư Pardee nói: “Điều chúng tôi hướng tới là xây dựng một công nghệ không đắt đỏ, phân phối nhanh và dễ phát triển”.
Tiến sĩ Lindomar Jose Pena tại viện nghiên cứu Fundacao Oswaldo Cruz (Fiocruz) ở Brazil cho biết khả năng xét nghiệm ở nước này vẫn có hạn chế bởi chỉ những phòng thí nghiệm ở trung tâm mới thực hiện xét nghiệm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ những trường hợp nghiêm trọng nhất mới được xét nghiệm.
Ông Pena cũng là một thành viên trong đội nghiên cứu “phòng thí nghiệm trong hộp” nhận xét: “Những người sống tại thị trấn nhỏ, cách xa thành phố lớn không thể tiếp cận với xét nghiệm đầy đủ”.
Ông Pena cũng cho biết với thực trạng nhiều người nhiễm COVID-19 không hề có triệu chứng nào thì việc xét nghiệm là vô cùng quan trọng: “Nếu việc xét nghiệm đắt đỏ thì bạn sẽ thực hiện điều đó với cả những người không có triệu chứng như thế nào? Nếu có xét nghiệm nhanh, bạn sẽ phát hiện thêm người nhiễm để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan”.
“Phòng thí nghiệm trong hộp” là một phiên bản của thiết bị tương tự từng được tạo để xét nghiệm Zika. Nhưng ông Pardee cũng thừa nhận có khả năng phải mất nhiều năm để công nghệ này có thể đến tay nhân viên y tế ở tiền tuyến bởi nó cần được thử nghiệm và có sự thông qua của cơ quan chức năng.