Các kỹ sư của đội đua F1 Mercedes đã phối hợp cùng Đại học London (Anh) sáng chế thiết bị trợ thở cho bệnh nhân COVID-19 trong thời gian chưa đầy một tuần.
Đài BBC (Anh) cho biết các bệnh viện tại Trung Quốc và Italy đã sử dụng máy áp lực dương liên tục (CPAP) để điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nếu giai đoạn thử nghiệm thành công, đơn vị sản xuất xe đua công thức F1 của Mercedes-Benz sẽ sản xuất khoảng 1.000 chiếc CPAP mỗi ngày.
Cơ quan quản lý thuốc và các sản phấm y tế của Vương quốc Anh (MHRA) đã chấp thuận việc sử dụng thiết bị mới này.
Giáo sư Rebecca Shipley tại Đại học London cho biết: “Thông thường sẽ mất nhiều năm để phát triển thiết bị y tế nhưng chúng tôi đã hoàn thành chỉ trong vài ngày bởi quay trở về với một thiết bị đơn giản và áp dụng kỹ nghệ đảo ngược để đảm bảo sản xuất nhanh chóng và số lượng lớn”.
Kỹ nghệ đảo ngược có nghĩa việc nhà sản xuất tháo rời những CPAP hiện hành, sau đó bắt chước và cải tiến thiết kế để có thể áp dụng sản xuất đại trà.
Báo cáo ban đầu từ vùng Lombardy tại Italy cho thấy 50% bệnh nhân điều trị bằng CPAP đã không cần sử dụng thêm thở máy không xâm nhập.
Giáo sư Mervyn Singer tại bệnh viện Đại học London (Anh) cho biết CPAP là kết hợp giữa mặt nạ thở bằng oxi và thở máy không xâm nhập giúp cứu mạng sống của bệnh nhân đồng thời đảm bảo máy thở chỉ áp dụng cho những trường hợp nặng nhất. Máy thở vốn khan hiếm. Cơ chế hoạt động của CPAP là tận dụng áp suất truyền không khí và oxy.