Theo kênh RT, đầu tuần trước, Tướng Không quân Terrence O’Shaughnessy – người đứng đầu Bộ Chỉ huy phương Bắc (NORTHCOM) và Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) cho biết một số nhân vật trong đội ngũ giám sát của ông đã chuyển từ trung tâm chỉ huy tại căn cứ Không quân Peterson ở Colorado đến các boongke dưới lòng đất.
Một trong số các cơ sở đó là tổ hợp boongke nằm sâu trong núi Cheyenne – mạng lưới đường hầm đào sâu 610 m và được che chắn bằng một lớp cửa bảo vệ có thể chịu được vụ nổ hạt nhân 30 megaton.
“Các chuyên gia then chốt trong bộ chỉ huy NORAD và NORTHCOM đã rời khỏi nhà, xa gia đình và tự cách ly với thế giới bên ngoài để đảm bảo họ có thể theo dõi và bảo vệ đất nước”, Tướng O’Shaughnessy nhấn mạnh. Ông cho biết lực lượng của mình sẽ dùng chung boongke với các đơn vị khác trong quân đội song ông không tiết lộ ai sẽ được cử vào đó.
Những cơ sở như boongke nằm trong núi Cheyenne là một phần trong kế hoạch sống sót của Mỹ nếu viễn cảnh Ngày tận thế xảy ra. Trong trường hợp có một mối đe dọa đến sự sống còn của nước Mỹ, ví dụ như một vụ tấn công hạt nhân, tổng thống và các quan chức, cũng như lãnh đạo quân sự, dân sự sẽ lập tức được sơ tán ngay tới 4 cơ sở trú ẩn để tiếp tục điều hành đất nước từ dưới lòng đất. Bốn cơ sở này bao gồm boongke núi Cheyenne, Trung tâm Điều hành Khẩn cấp của Tổng thống dưới Nhà Trắng, Tổ hợp núi Raven Rocke Pennsylvania và Trung tâm Điều hành Khẩn cấp núi Weather ở Pennsylvania.
Trong bối cảnh Mỹ lao đao vì cuộc khủng hoảng COVID-19, các nhà lãnh đạo quân sự nước này buộc phải thực hiện các bước đi để duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu. Sau khi thừa nhận mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 26/3 tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ không tiếp tục công bố chi tiết các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong hàng ngũ, để tránh tiết lộ điểm yếu của mình cho các đối thủ.
Tiếp đến ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cho phép các Bộ trưởng An ninh nội địa và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ huy động binh sĩ và nhân viên tuần duyên dự bị để chống dịch COVID-19. Nội dung sắc lệnh cho hay hai bộ trưởng này được phép ra lệnh các thành viên dự bị Lục quân, Hải quân và Không quân cũng như lực lượng tuần duyên phục vụ với số lượng không vượt 1 triệu người.
Hai tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ cũng đã được điều động tới New York và Los Angeles để hỗ trợ các bệnh viện địa phương ứng phó dịch bệnh COVID-19. New York là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ, khi số ca tử vong vì dịch bệnh tại bang này đã vượt qua 1.000 người.
Tính đến sáng 30/3, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã vượt qua 720.000 người. Trong đó, Mỹ đã có trên 140.000 người nhiễm virus, với trên 2.000 trường hợp tử vong.