Với 630 tỉ USD dự trữ ngoại tệ vẫn có khả năng tiếp cận được, Nga có thể chưa sớm cảm nhận được hệ quả tuyệt đối từ các vòng cấm vận. Nhưng thời hạn đó có thể sẽ còn kéo dài hơn nữa khi mà phần lớn thế giới vẫn chưa từ bỏ nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt từ Nga.
Cổ phiếu các công ty dầu mỏ, năng lượng đang được giao dịch ở mức giá cao kỉ lục trong nhiều năm, sau khi nhiều công ty lọc dầu áp dụng chính “tự cấm vận” dầu thô Nga, chủ động né tránh nguồn cung từ Nga, còn các ngân hàng từ chối cung cấp dịch vụ hỗ trợ tài chính đối với hoạt động mua bán, vận chuyển nguyên liệu thô có nguồn gốc từ Nga.
Số này “tự cấm vận” năng lượng Nga do lo sợ xảy ra những rắc rối về pháp lý liên quan đến lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dựng lên chống Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hồi đầu tháng trước từng tuyên bố: "EU cần độc lập trước dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga, không thể để diễn ra tình cảnh phụ thuộc vào một nhà cung ứng để rồi bị đe dọa ngược trở lại".
Nhưng thật không may, khi giới chức Mỹ và châu Âu lớn tiếng nói về từ bỏ các mặt hàng năng lượng của Nga, Moskva vẫn đang bán suôn sẻ một lượng lớn dầu thô và khí đốt cho một số công ty, tập đoàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới. Cụ thể, theo dữ liệu theo dõi tàu biển và hoạt động cảng biển, tập đoàn Vitol (liên danh Thụy Sỹ-Hà Lan), Glencore, Gunvor (đều của Thụy Sỹ) và Trafigura (Singapore) vẫn tiếp tục giao dịch một lượng lớn dầu thô của Nga, kể cả dầu diesel.
Trên thực tế, ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã gửi thư tới bốn công này, yêu cầu họ dừng ngay lập tức giao dịch mặt hàng dầu mỏ, khí đốt với phía Nga, với lý do nguồn thu ngoại tệ này được Nga sử dụng để mua vũ khí, tên lửa phục vụ cho can dự ở Ukraine.
Xuất hiện nhiều chỉ trích nhằm vào Thụy Sỹ, nước có tới gần 1.000 công ty chuyên về giao dịch hàng hóa và dẫn khoảng 80% nguyên liệu thô của Nga ra thị trường thế giới. Ngoài vai trò của một trung tâm tài chính toàn cầu, Thụy Sỹ còn có ngành giao dịch hàng hóa rất thịnh vượng. Điều này tưởng chừng như phi lý, bởi Thụy Sỹ nằm cách xa các tuyến đường vận chuyển thương mại, không có đường ra biển, không có thuộc địa ở nước ngoài và cũng không có trữ lượng lớn về tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu thô.
Thực chất, Thụy Sỹ là một trung tâm giao dịch hàng hóa nguyên liệu thô quan trọng nhất trên thế giới. “Tại Thụy Sỹ, ngành giao dịch hàng hóa có đóng góp lớn hơn so với ngành du lịch và chế tạo máy trong tổng GDP của nước này”, Oliver Classen, một chuyên gia thuộc tổ chức phi chính phủ Public Eye, chia sẻ. Đơn cử, năm 2018, số liệu chính thức cho thấy giá trị giao dịch hàng hóa được thực hiện tại Thụy Sỹ đạt gần 1.000 tỉ USD.
Riêng về nguyên liệu thô, khoảng 1/3 dầu thô, khí đốt của Nga được mua bán thông qua Geneva. Tương tự, khoảng 2/3 giao dịch toàn cầu về kim loại màu chủ chốt như kẽm, đồng, nhôm của Nga được xử lý qua Thụy Sỹ. Nga không phải là khách hàng xa lạ, bởi tờ Deutsche Welle (Đức) dẫn báo cáo của Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Moskva cho biết khoảng 80% nguyên liệu thô của Nga được giao dịch qua Thụy Sỹ. Nói cách khác, những bản hợp đồng được ký kết với các công ty Thụy Sỹ giúp dầu mỏ và khí đốt Nga tự do vươn ra thị trường thế giới.
Đây thực sự là một thỏa thuận lớn, bởi xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt đem lại 30-40% tổng thu ngân sách cho Nga. Riêng trong năm 2021, xuất khẩu dầu thô giúp Nga thu về khoảng 180 tỉ USD. Nhưng điểm đáng ngại là những giao dịch kiểu này thường khá nhạy cảm, không tường minh.
Hàng hóa thường được thực hiện trực tiếp giữa các chính phủ và qua các sàn giao dịch. Nhưng hàng hóa đó cũng có thể được buôn bán tự do và những công ty ở Thụy Sỹ có chuyên môn và kinh nghiệm hàng đầu thế giới về ngành kinh doanh này, nhờ nguồn lực tài chính mạnh.
Trong giao dịch nguyên liệu thô, các công ty Thụy Sỹ thường sử dụng hình thức tín dụng thư. Một ngân hàng sẽ cấp cho một nhà buôn một khoản vay tạm thời và trở thành người sở hữu lô hàng giao dịch. Khi người mua hàng hoàn tất thanh toán với ngân hàng về lô nguyên liệu thô, chủ sở hữu với nguồn hàng này cũng được thay đổi. Vì thế, các nhà buôn bán hàng hóa tại Thụy Sỹ có nguồn tín dụng dồi dào và hệ thống này không đặt quá nhiều vào yêu cầu kiểm soát uy tín tín dụng, ngân hàng lấy giá trị hàng hóa làm tài sản bảo đảm.
Đó là ví dụ điển hình về trung chuyển hàng hóa. Những chuyến hàng nguyên nhiên liệu thô không bao giờ cập đất Thụy Sỹ, mà sẽ đi thẳng từ nước cung cấp đến nước nhập khẩu, chỉ có dòng tiền là chạy qua Thụy Sỹ. Gần như không có thông tin đầy đủ về quy mô giao dịch hàng hóa trong dữ liệu của cơ quan thuế quan Thụy Sỹ. “Toàn bộ ngành giao dịch hàng hóa này không được lưu giữ số liệu, thiếu các quy định kiểm soát”, Elisabeth Bürgi Bonanomi thuộc Đại học Bern nói.
Nhưng đừng quá kỳ vọng sẽ sớm có sự thay đổi với hình thức giao dịch này. Nhiều tổ chức như Public Eye, đảng Xanh tại Thụy Sỹ đã lên tiếng kêu gọi nhà điều hành thị trường cần áp dụng mô hình của thị trường tài chính cho thị trường hàng hóa. Nhưng những đề xuất đó đều chưa thành. Ông Thomas Mattern, thành viên đảng Nhân dân Thụy Sỹ (SVP) phản đối thay đổi này, cho rằng Thụy Sỹ cần tiếp tục duy trì trung lập, không đưa thêm các quy định mới hay các chế tài với riêng ngành giao dịch hàng hóa.